Tiếng Việt | English

07/08/2016 - 18:26

Việt Nam góp phần mở rộng hợp tác giữa ASEAN với các đối tác

Các Hội nghị trong khuôn khổ AEM-48 đã giúp Việt Nam cùng với các nước đối tác trong ASEAN mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (AEM-48) và các Hội nghị liên quan vừa kết thúc tối qua (6/8) tại thủ đô Vientiane, Lào. Nhân dịp này, phóng viên Đài TNVN thường trú tại Lào đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về những nội dung được thông qua tại Hội nghị, những về triển vọng thành lập quan hệ kinh tế toàn diện khu vực với các nước đối tác cũng như đóng góp của Việt Nam tại các Hội nghị.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại AFTA 30

PV: Thưa Bộ trưởng xin Bộ trưởng cho biết các quyết định đã được các Bộ trưởng thông qua tại Hội nghị lần này có ý nghĩa như thế nào đối với việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN và tầm nhìn 2025?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói nội dung rất quan trọng của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này là cùng rà soát lại và thống nhất trong Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về việc thực hiện các nội dung trong khuôn khổ của Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau khi được các nhà lãnh đạo của ASEAN quyết định thành lập vào tháng 12/2015.

Hay nói đúng hơn là các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã rà soát lại các khuôn khổ, cơ chế hợp tác của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thông qua hàng loạt những hợp tác, mà có thể nói là để cụ thể hóa các định hướng, chủ trương, nền tảng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Ngoài ra, hàng loạt các Hội nghị quan trọng khác cũng đã giúp chúng ta có điều kiện cùng với các nước đối tác trong ASEAN không chỉ hoàn thiện thể chế, các khuôn khổ hợp tác của nội khối ASEAN, mà còn tiếp tục giúp cho ASEAN có một Lộ trình và một bước để hoàn thiện những cái khung khổ, mở rộng hợp tác giữa ASEAN với các đối tác quan trọng khác như Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) hay với khu vực AFTA của ASEAN, của ASEAN với Australia, New Zealand, cũng như của ASEAN với Ấn Độ, với Mỹ, với một số quốc gia châu Âu, phương Tây…

PV: Về triển vọng thành lập quan hệ kinh tế toàn diện khu vực với 6 nước đối tác là như thế nào thưa ông? Nếu được triển khai, quan hệ kinh tế toàn diện sẽ đóng góp gì cho kinh tế ASEAN cũng như các nước và Việt Nam được hưởng lợi gì từ mối quan hệ này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nếu chúng ta thúc đẩy được tiến trình của Hiệp định RCEP giữa ASEAN với 6 nước đối tác không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn hàng loạt các lĩnh vực cơ bản khác như về sở hữu trí tuệ, đầu tư, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ,… thì Việt Nam cũng có những bước tiến cơ bản trong việc tham gia vào thị trường rộng lớn và có tính liên kết với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Với Hiệp định RCEP như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có những điều kiện thuận lợi để không những mở rộng thị trường, xóa bỏ các rào cản thương mại và dỡ bỏ hàng rào quan thuế một cách cơ bản để tạo điều kiện cho hàng hóa của chúng ta tiếp cận thị trường và chúng ta sẽ có những điều kiện thuận lợi rất lớn để thu hút mạnh mẽ và lớn hơn nữa những nguồn đầu tư từ những quốc gia đối tác, mà là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Và với việc tiếp tục làm đơn giản hóa các thủ tục và đặc biệt là thuận lợi hóa thương mại, cũng như là tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, di chuyển của tư nhân thì chúng ta sẽ có thị trường liên kết rất hoàn hảo về thu hút nguồn lao động và nguồn nhân lực để góp phần tạo điều kiện để trao đổi nguồn nhân lực có chất lượng, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế, cũng như vào trong hoạt động của khu vực doanh nghiệp, nhất là của các doanh nghiệp tư nhân.

PV: Đóng góp của Việt Nam tại các Hội nghị lần này như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tại Hội nghị lần này, ngoài việc chúng ta tham gia rất cụ thể vào khung khổ ASEAN mà nội khối đã trao đổi để thực hiện các chủ trương về Cộng đồng kinh tế ASEAN 2016 như rà soát và thông qua các khung khổ về thuận lợi hóa thương mại cũng như các lĩnh vực về quản lý an toàn thực phẩm, là những nội dung mà có thể nói chúng ta đang có uy tín rất cao đối với nền kinh tế, cũng như đời sống người dân trong nước thì còn hàng loạt những lĩnh vực khác mà chúng ta đang có những ý kiến đóng góp cụ thể để giúp cho sự thỏa thuận mà mang tính đồng thuận của ASEAN và chúng ta đạt được mức độ cao.

Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh ở đây là trong quá trình trao đổi và thúc đẩy sự hợp tác của ASEAN, hàng loạt những đề án lớn của ASEAN mà chúng ta đang làm thí điểm trong thời gian vừa qua, ví dụ như là cấp chứng nhận về xuất xứ điện tử rồi cũng như thí điểm về tự cấp xuất xứ cho doanh nghiệp… hay là hướng tới kết nối, xây dựng cơ chế một cửa của ASEAN có thể nói là đã chứng kiến sự đóng góp, vai trò rất to lớn của Việt Nam trong các đề án đó, cũng như là có sự kết nối chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực tham gia.

Trên cơ sở của những đóng góp trên thực tiễn của Việt Nam tại các đề án đó, cũng như trong khuôn khổ của ASEAN, thì có thể nói ASEAN đã tiến một bước rất lớn, bước dài trong lĩnh vực này.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc AEM-48

Đây có thể coi là những bước đột phá rất cơ bản để tạo thuận lợi tối đa cho khu vực doanh nghiệp trong hàng loạt lĩnh vực tiếp cận thị trường cũng như khai thác được những thuận lợi từ việc dỡ bỏ các rào cản về thủ tục hành chính của các nước trong nội khối ASEAN, để từ đó chúng ta tạo ra được những cơ hội, tạo ra được những sự phát triển có tính bền vững trong luân chuyển thương mại nội khối.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong các hội nghị tham vấn thì những nội dung thảo luận có ý nghĩa như thế nào đối với ASEAN cũng như các nước đối tác?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong các hội nghị tham vấn của chúng ta đã cùng các nước ASEAN thảo luận với các nước đối tác ví dụ với Hàn Quốc, Trung Quốc, với Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand… có thể nói là sự tham dự của đại diện của khu vực doanh nghiệp của các Hội đồng doanh nghiệp ở tại các cơ chế tham vấn của ASEAN với các đối tác đã góp phần cho các quan chức của cả các đối tác ASEAN.

Các quốc gia đều có cơ hội tiếp cận, lắng nghe cụ thể những phản hồi và đồng thời có những đề xuất, yêu cầu thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp của các quốc gia đối tác và của các quốc gia ASEAN.

Đặc biệt, tại các cuộc tham vấn lần này, các Bộ trưởng Kinh tế của các nước ASEAN đã có dịp thống nhất và rà soát trên cơ sở cùng có sự đồng thuận rất cao từ phía khu vực doanh nghiệp, cũng như từ khu vực Nhà nước về một loạt các lĩnh vực có tính ưu tiên cao, cũng như những cơ chế, mô hình tăng cường hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư.

PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!./.

Mỹ Bình/VOV-Vientiane

Chia sẻ bài viết