Tiếng Việt | English

07/08/2023 - 11:27

Việt Nam không hề đàn áp tự do tôn giáo

Mới đây, trong báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2023, Việt Nam bị Ủy ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) đưa vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo “vì những hành vi đàn áp tôn giáo một cách có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng, theo định nghĩa của đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế”.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) vu khống Việt Nam vi phạm về quyền tự do tôn giáo

“Ngậm máu phun người”

Hùa theo thông tin trên của USCIRF, các tổ chức phản động trong và ngoài nước trắng trợn vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp đồng bào tôn giáo người Thượng ở Tây Nguyên, người H'Mông theo đạo Tin Lành ở Tây Bắc, các tín đồ theo đạo Cao Đài chơn truyền, Phật giáo Hòa Hảo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, đạo Dương Văn Mình hay Pháp Luân Công. Trang web của các tổ chức phản động ở nước ngoài như Thăng Tiến, Việt Tân, Ý kiến, Vietcatholic,... liên tục phát tán nhiều tài liệu, hình ảnh xuyên tạc chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo, đánh đập giáo dân; vu cáo Việt Nam mở “chiến dịch truyền thông bịa đặt bôi xấu, nhục mạ linh mục, giáo dân”;...

Các hãng truyền thông của thế lực thù địch còn phỏng vấn một số cá nhân - những “người có thẩm quyền” trong các tôn giáo như Linh mục Hoàng Minh Thắng (Phó Giám đốc Ban Việt ngữ, Đài Phát thanh Vatican), Phạm Đình Nhẫn (Chủ tịch Hiệp hội Thông Công Tin lành Việt Nam),... Các “chức sắc tự phong" này đều trắng trợn vu khống Việt Nam đang bóp nghẹt tự do tôn giáo.

Trắng trợn hơn, chúng còn dựng chuyện Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức (Nguyễn Huyền Đức) chết tại Franziskus (Đức) là do chính quyền Việt Nam đầu độc “trong công cuộc bảo vệ đất và các tài sản khác của Đan Viện”; cho rằng sự việc xảy ra với "Tịnh Thất Bồng Lai" cũng là hình thức đàn áp tự do tôn giáo.

Rõ ràng, USCIRF cho rằng Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo là "ngậm máu phun người". Bởi hiện nay, cả nước ước có 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo; có 25,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số, với 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; 60 trường đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo; có 12 tờ báo, tạp chí liên quan đến tôn giáo; 100% tổ chức tôn giáo đều có website riêng.

Những số liệu đó cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo mang tính nhân văn, thể hiện trách nhiệm với đất nước, dân tộc.

Khắp các địa phương trong cả nước, cơ sở thờ tự của các tôn giáo đều được xây dựng khang trang, đời sống của tín đồ ngày càng nâng chất. Các cơ sở thờ tự thường xuyên được chính quyền quan tâm cấp phép xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp pháp của tín đồ và tổ chức tôn giáo. Các hoạt động tôn giáo, hoạt động xã hội; chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo đều tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ một bộ phận rất nhỏ chức sắc, tín đồ của một số tôn giáo lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để chống Đảng, Nhà nước ta và bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật như Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý,...

Tự do tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật

Bất cứ quốc gia nào cũng vậy, quyền tự do tôn giáo hay quyền dân sự, chính trị đều phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật; không có tự do một cách tuyệt đối, tự do vô chính phủ, vô nguyên tắc.

Điều 18 Công ước Quốc tế nêu rõ: “Quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình chỉ phải chịu các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác”. Như vậy, quyền tự do tôn giáo hay bất cứ một quyền nào đều bị giới hạn bởi khuôn khổ luật pháp.

Chính sách nhất quán của Nhà nước ta là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Bất cứ tổ chức hay cá nhân nào cũng không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền con người và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của nhân dân.

Các tổ chức, cá nhân không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đó là chính sách rất đúng đắn, rõ ràng và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về quyền tự do tôn giáo./.

Cựu chiến binh Long An

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích