Tiếng Việt | English

18/03/2022 - 08:14

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, hiểu thế nào cho đúng?

Nhà nước pháp quyền XHCN phải xây dựng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu những giá trị tiến bộ của Nhà nước pháp quyền tư bản.

Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền  XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo...”. Đây là những tư tưởng chỉ đạo quan trọng được đúc rút từ thực tiễn đổi mới, hội nhập mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện, thể hiện đặc trưng, bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Không ngừng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền XHCN


Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Sơn

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Phan Xuân Sơn - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân là quan điểm của Đảng ta đã được xác định từ năm 1994. Sau đó, tại hội nghị Trung ương 8 (khóa VII)  đã nêu quan điểm rất rõ về nội dung này và từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta không ngừng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Trong bài viết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bật những đăc trưng, cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của của dân, do dân và vì dân … Bài viết khẳng định lại những tư tưởng rất căn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền và đưa ra những yêu cầu định hướng cho công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới.

"Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra rất nhiều vấn đề rất căn bản cho tư duy lý luận để bắt đầu một giai đoạn nghiên cứu mới, trong đó có đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân do Đảng lãnh đạo. Trong giai đoạn mới, chúng ta phải sáng tạo và đổi mới rất nhiều để sau này chúng ta hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đó là nhà nước mà chủ quyền của tất cả các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là liên minh công nông và đội ngũ trí thức, lợi ích hợp pháp chính đáng của họ được thể chế hóa, được phản ánh trong pháp luật của Nhà nước", Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.

4 điểm mới trong quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền

Giáo sư, Tiến sỹ Võ Khánh Vinh - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhìn nhận: Bài viết của Tổng Bí thư không những chỉ rõ những đặc trưng, bản chất của Nhà nước mà còn nêu ra những quan điểm mới về Nhà nước và pháp quyền XHCN Việt Nam. Và đó cũng là những điểm mà Đảng và Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn trong tiến trình xây dựng hoàn thiện thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam


Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh (Ảnh: Zing)

"Về phương diện liên quan đến Nhà nước pháp quyền đã có ít nhất là 4 điểm mới. Thứ nhất, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng, xây dựng Nhà nước pháp quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng hệ thống chính trị ở Việt Nam. Điểm thứ hai đã thể hiện rằng, giá trị cao nhất của Nhà nước Pháp quyền đó là tính thượng tôn hiến pháp và pháp luật. Ý thứ ba là lấy mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, đó là quyền con người, quyền công dân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền phải chú trọng  các nhân tố con người. Thứ tư nữa, đó là việc tăng cường kiểm soát quyền lực", Giáo sư, Tiến sỹ Võ Khánh Vinh phân tích thêm.

Điều đặc biệt trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thư đặc biệt nhấn mạnh, đó là: Nhà nước xây dựng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu những giá trị tiến bộ của Nhà nước pháp quyền tư bản. Và đó là một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong thời gian qua cũng đã và đang dần tiếp cận được những đặc trưng, yêu cầu, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Bằng chứng là quyền lực chính trị, quyền con người, lợi ích kinh tế, quan hệ xã hội, tư tưởng làm chủ của nhân dân đã được ghi trong các văn bản quan trọng nhất như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và cũng được ghi rõ trong Hiến pháp năm 2013…

Bà Phạm Thị Kim Dung, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Khu vực I cho rằng: "Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh hơn vai trò tối thượng của pháp luật, hướng tới những vấn đề phúc lợi cho mọi người tạo điều kiện cho cá nhân được tự do bình đẳng và phát huy hết năng lực của chính mình… Đây là sự tổng kết lý luận từ thực tiến. Điều đó cũng một lần nữa làm sáng tỏ mục đích của đảng không gì ngoài lợi ích của nhân dân, vì tiến bộ công bằng xã hội. Và thực tế dù chưa thực sự đạt được những điều đó nhưng trong những năm gần đây, quyền lợi của người dân ngày càng được đảm bảo, pháp luật cũng được thực thi tốt hơn, sự bình đẳng giữa cac thành phần trong xã hôi trước pháp luật đã được rút ngắn khoảng cách".

Cái gì liên quan đến quyền của người dân thì luật phải quy định

Bình luận về những nội dung cốt lõi nêu trong bài viết của Tổng Bí thư về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phân tích: Quyền lực Nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công phối hợp chặt chẽ và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan làm chức năng Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp - Đây là bản chất và đặc trưng cơ bản nhất của Nhà nước ta. Chính vì thế, kiểm soát quyền lực luôn phải được đặt ra và làm tốt hơn


Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Ảnh: Motthegioi.vn)

Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là một quá trình rất lâu dài. Như vậy, cần phải chuyên nghiệp hóa bộ máy Nhà nước. Một định hướng rất quan trọng mà Tổng Bí thư đã nói là làm sao kiểm soát quyền lực, tập trung vào vấn đề nâng cao năng lực quản trị quốc gia… Có một vấn đề chúng ta cần phải làm rõ đó là quyền tự do của người dân hay các quyền chính đáng của người dân được bảo vệ bằng pháp luật, cơ bản là luật chứ không phải những văn bản dưới luật. Vậy vấn đề đặt ra về mặt lập pháp và thực thi pháp luật phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc là cái gì liên quan đến quyền của người dân chỉ có luật được quy định, các văn bản dưới luật không được giới hạn", Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Lập nêu quan điểm.

Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, với nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân do Nhân dân và vì Nhân dân càng được đặt ra rất cấp bách. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng, thể hiện bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Sỹ Lý/VOV1

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích