Tiếng Việt | English

13/03/2023 - 16:50

Ý kiến góp ý của Ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (phần cuối)

Ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh Long An đã chỉ đạo và tổ chức đóng góp Luật Đất đai (sửa đổi) theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Dưới đây là một số nội dung đóng góp cụ thể cho dự thảo luật này.

(Tiếp theo phần 2)

6. Vấn đề giá đất (Mục 2 Chương XI)

a) Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất (Điều 153)

Dự thảo kế thừa và bổ sung một số nguyên tắc mới, nhất là đã làm rõ hơn khái niệm thế nào là giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường (quy định tại khoản 2). Chúng tôi nhất trí cao, đồng thời kiến nghị:

- Bổ sung một nguyên tắc rất quan trọng nữa, đó là: “Phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư”. Lý do: Làm căn cứ để định giá đất được công bằng, hợp lý.

- Bổ sung một khoản quy định các tiêu chí cơ bản, làm căn cứ để sau này Chính phủ quy định cụ thể về phương pháp và quy trình định giá đất, bảo đảm phù hợp với ý chí của Quốc hội khi Luật được thông qua.

b) Về bảng giá đất, giá đất cụ thể (Điều 154, Điều 155)

Dự thảo bỏ quy định của Luật hiện hành về khung giá đất do Chính phủ quy định 05 năm một lần, nếu giá đất phổ biến trên thị trường tăng hoặc giảm từ 20% trở lên thì Chính phủ điều chỉnh (quy định tại Điều 113) đã được sự đồng thuận rất cao của nhiều tổ chức, cá nhân trong quá trình góp ý Luật Đất đai (sửa đổi). Bởi vì nó là “rào cản” không cho phép các địa phương điều chỉnh bảng giá đất theo giá thị trường. Bảng giá đất quy định cũng khác về bản chất so với Luật hiện hành: UBND cấp tỉnh xây dựng định kỳ hàng năm, thay vì 05 năm một lần (Điều 114).

Chúng tôi đồng tình với sửa đổi như trên của dự thảo, vì việc bỏ khung giá đất sẽ gỡ bỏ “rào cản” và việc xây dựng bảng giá đất hàng năm sẽ cho phép các địa phương có điều kiện xây dựng bảng giá đất linh hoạt theo hướng sát với giá thị trường hoặc tiệm cận giá thị trường. Điều này sẽ góp phần khắc phục tình trạng có 02 giá đất, giá Nhà nước quy định và giá thị trường vốn chênh lệch lớn trên thực tế, làm thất thu ngân sách Nhà nước khi thực hiện các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đồng thời cũng khắc phục tình trạng bồi thường không thỏa đáng cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất, gây bức xúc, khiếu kiện trong dân.

c) Về hội đồng thẩm định giá đất (Điều 156)

Về cơ bản thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất cấp tỉnh, thành phần Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cấp tỉnh, cấp huyện quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 dự thảo là phù hợp, chúng tôi tán thành.

Quá trình thảo luận, được biết có loại ý kiến không đồng ý UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất (sau khi HĐND có nghị quyết thông qua); không đồng ý đại diện lãnh đạo UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định vì cho là không khách quan, nên để các cơ quan chuyên nghiệp, độc lập với Nhà nước thực hiện việc này. Chúng tôi không tán thành loại ý kiến này, vì Nhà nước với hai tư cách (vừa là đại diện chủ sở hữu về đất đai được quy định tại Điều 14 và quản lý Nhà nước về đất đai quy định tại Mục 2 Chương 2 của dự thảo) đều có quyền về tài chính đất đai, trong đó có việc ban hành bảng giá đất và giá đất cụ thể. Nhà nước giao cho các cơ quan tham mưu, thuê cơ quan tư vấn để có căn cứ thực hiện nhiệm vụ này, nhưng quyền quyết định phải thuộc về Nhà nước.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng tán thành với loại ý kiến sau đây và thống nhất kiến nghị giảm bớt thành phần đại diện các cơ quan Nhà nước, tăng thêm thành phần chuyên gia, người dân am hiểu lĩnh vực và tổ chức có chức năng tư vấn (có ít nhất 02 tổ chức) trong Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể.

7. Về điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất (Mục 5 Chương III) và Chế độ sử dụng đất (Mục 2 Chương XIII)

Tán thành các quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân (Điều 171) theo hướng không quá 15 lần hạn mức giao cho cá nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, Điều 170 (Hạn mức giao đất nông nghiệp) thay vì không quá 10 lần theo Luật hiện hành. Đồng thời, cũng thống nhất cao với quy định của dự thảo tại khoản 4 Điều 49: Cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp mà không giới hạn về diện tích, với phương án sử dụng đất được UBND cấp tỉnh chấp thuận (đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật hiện hành).

Các sửa đổi, bổ sung trên rõ ràng là rất tích cực, sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện chủ trương của Nhà nước về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, có hiệu quả trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Song, đề nghị dự thảo cần rà soát thêm, một mặt để quy định chặt chẽ, có tính khả thi hơn, mặt khác không làm phát sinh thủ tục hành chính, gây phiền hà cho các chủ thể sử dụng đất, có vậy mới đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống khi Luật được thông qua.

8. Về giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai (Mục 1 Chương XV)

 Về Điều 219 (Giám sát của công dân đối với quản lý, sử dụng đất đai)

 Tại khoản 3 (Nội dung giám sát của công dân,...), đề nghị bổ sung 01 khoản mới quy định: Giám sát việc công khai bảng giá đất và giá đất cụ thể theo quy định.

Trên đây là nội dung góp ý của Ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh Long An đối với Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân theo chỉ đạo của Trung ương và các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Long An./.

Đặng Văn Xướng (Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh)

Chia sẻ bài viết