Tiếng Việt | English

15/03/2021 - 11:14

“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”

Đây là phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, khi trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng vào sáng ngày 26/01/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Đồng chí còn khẳng định: “Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn,…”.

Thay vì tự hào và vui chung với những thành tựu rực rỡ mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã hy sinh biết bao mồ hôi, xương máu và công sức mới có được thì các phần tử phản động, cơ hội lại ráo riết sử dụng Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác để xuyên tạc nhận định của đồng chí Tổng Bí thư, phủ nhận thành quả mà Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã và đang ra sức xây dựng. Chiêu bài phổ biến mà bọn chúng sử dụng là “thần tượng hóa” một nước tư bản nào đó, đưa ra một sự so sánh khập khiễng về thành tựu và tốc độ phát triển của Việt Nam và quốc gia đó nhằm lèo lái dư luận, gây tâm lý hoài nghi trong một bộ phận người dân và kể cả số ít cán bộ công chức, viên chức, những người có lập trường tư tưởng không vững vàng, thiếu tu dưỡng rèn luyện hoặc tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều.

Quốc gia mà các đối tượng thường hướng đến là Hàn Quốc - một trong những nền kinh tế lớn của châu Á, đã tạo nên “Kỳ tích sông Hàn” chỉ sau một thế hệ. Chúng thường đưa ra những lập luận rằng: “Nếu nói chế độ xã hội chủ nghĩa là ưu việt, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tài tình, đất nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ, vậy tại sao Việt Nam lại kém phát triển hơn Hàn Quốc mặc dù vào những năm 60 của thế kỷ XX, hai quốc gia này có cùng một xuất phát điểm và có những đặc điểm lịch sử tương đồng?”. Với những lập luận này thì rõ ràng rằng, nếu chỉ nhìn vào sự phát triển và những thành tựu mà Hàn Quốc đã đạt từ những năm 60 đến nay, chắc hẳn không ít người sẽ thấy hợp lý và hoài nghi về thành tựu phát triển của đất nước ta. Trong bài viết này, tôi muốn cung cấp một vài thông tin nhằm góp phần chỉ ra sự bất hợp lý và khập khiễng trong “bài toán so sánh” này.

Không thể phủ nhận rằng Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia ở châu Á nhanh chóng khôi phục và kiến thiết đất nước sau chiến tranh, vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế lớn của thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào đó mà so sánh nước ta và Hàn Quốc mà rút ra kết luận rằng chế độ tư bản ưu việt hơn chế độ xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn phiến diện và gán ghép.

Nhìn lại lịch sử, mặc dù Hàn Quốc cũng bị tàn phá nặng nề trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản (1910-1945) và nội chiến kéo dài 3 năm (1950-1953). Tuy nhiên, Hàn Quốc thoát khỏi tình trạng chiến tranh và bắt đầu tái thiết đất nước vào năm 1953. Trong khi đó, vào thời gian này, chúng ta đang phải đương đầu với cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) và sau đó là 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975). Sau đó, nước ta lại phải tiếp tục đương đầu với 2 cuộc chiến tranh khác là chiến tranh biên giới phía Bắc (Trung Quốc, 1979) và Chiến tranh biên giới Tây Nam (Pôn Pốt Iêng xary, 1975-1979). Như vậy, mãi cho đến năm 1979, Việt Nam mới có thể hoàn toàn tập trung cho công cuộc tái thiết và phát triển đất nước. Như vậy, xét về mặt thời gian, chúng ta đã trễ hơn Hàn Quốc 26 năm, trong khi đất nước lại bị các cuộc chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề.

Hòa bình lập lại, nhất là sau cuộc đảo chính quân sự năm 1961, Tổng thống Park Chung Hee lên cầm quyền ngày càng thiết lập mối quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ và đây chính là một trong những điều kiện thuận lợi mang về cho Hàn Quốc nguồn vốn khổng lồ để tái thiết đất nước, bao gồm:

Thứ nhất, tiền bồi thường chiến phí từ Nhật: Sau khi kết thúc chiến tranh và ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Nhật năm 1965, chính quyền của Tổng thống Park đã nhận được 800 triệu đô la, trong đó có 500 triệu đô la bồi thường chiến phí và 300 triệu đô la vay thương mại).

Thứ hai, tiền thu được từ việc cung cấp lính đánh thuê và vai trò đồng minh của Mỹ. Giai đoạn từ 1964-1975, chính quyền Tổng thống Park đã gửi 310.000 lính đánh thuê sang tham gia chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, hình thành nên các chuỗi cung ứng hàng hóa cho lính Hàn và thu về 3 tỉ đô la và nhiều hợp đồng ưu đãi khác từ Mỹ.

Thứ ba, nguồn vốn vay từ Tây Đức và xuất khẩu lao động để trả nợ: Hàn Quốc được Tây Đức cho vay ưu đãi tổng cộng 70 triệu đô la (30 triệu năm 1963 và 40 triệu năm 1964), sau đó Hàn Quốc đã gửi thợ mỏ và y tá sang Tây Đức lao động và lương của họ được dùng để trả nợ.

Thứ tư, nguồn tiền từ khai thác dầu ở Trung Đông: Khi ngành công nghiệp nặng của Hàn bắt đầu có sự phát triển, các công ty Hàn sang Trung Đông hợp đồng khai thác dầu mang về hơn 11,1 tỉ đô la từ 1975-1978 (750 triệu đô la năm 1975, 2,4 tỉ đô năm 1976 và 8 tỉ đô năm 1978).

Như vậy, từ nguồn tiền bồi thường chiến phí của Nhật và nguồn tiền thu về từ vai trò đồng minh của Mỹ đã mang về cho Hàn Quốc khoảng 15 tỉ đô la nguồn vốn ban đầu phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong khi đó, Việt Nam ổn định để tái thiết và phát triển đất nước muộn hơn 26 năm, đất nước bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, không có tiềm lực kinh tế, sau chiến tranh Mỹ không bồi thường 3,25 tỉ đô la như cam kết, lại bị Mỹ bao vây, cấm vận trong một thời gian dài. Cho nên, quan điểm so sánh về tốc độ phát triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc để xuyên tạc nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng, là hoàn toàn khập khiễng và thiển cận của một số người mang tư tưởng “tự phụ” và “tự nhục”; nhằm vào mục đích phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Với những thành tựu đã đạt, mỗi người Việt Nam yêu nước đều có quyền tự hào rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”./.

Nguyễn Hoài Thân

Chia sẻ bài viết