Tiếng Việt | English

08/01/2019 - 08:49

40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Cách đây vừa tròn 40 năm, ngày 07/01/1979, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp lực lượng vũ trang (LLVT) Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, giải phóng hoàn toàn thủ đô Phnom Penh; kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Trong chiến công ấy, có sự hy sinh, góp sức của quân và dân Long An.

Những năm tháng không quên!

Sau ngày đất nước ta thống nhất (30/4/1975), tập đoàn phản động Pôn Pốt xua quân đánh chiếm các đảo, biên giới đất liền Tây Nam nước ta. Không dừng lại ở đó, chúng còn đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) và một số đảo khác ở khu vực Tây Nam nước ta.

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (hàng đầu, bìa trái) thắp hương tại tượng đài Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang

Trước hành động gây hấn và mở rộng chiến tranh của kẻ địch, Đảng và Nhà nước ta kiềm chế và kiên trì thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị với Nhà nước Campuchia Dân chủ, nhưng chúng ta càng kiềm chế, tập đoàn Pôn Pốt càng lấn tới, buộc chúng ta phải chọn con đường thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình. 

Ngày ấy, ở độ tuổi 20, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Mẫn, ngụ ấp Tân Chánh, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Khoảng thời gian chiến đấu tuy ngắn nhưng để lại trong ông những ký ức không thể nào quên. Đó thật sự là cuộc chiến chính nghĩa, chống lại sự tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt. Sau cuộc chiến đó, ông bị thương nặng và mất chân trái. 

Nhớ lại những ngày gian khổ ấy, ông xúc động: “Có biết bao người lính, người dân vô tội của nước ta, kể cả đồng bào Khmer bị Pôn Pốt giết hại. Tôi tuy bị thương nặng nhưng may mắn sống sót, trở về với gia đình. So với những đồng đội hy sinh, còn nằm lại trên nước bạn, vết thương ấy có đáng là bao. Ngày đó, chứng kiến sự tàn bạo, hung hăng của tập đoàn Pôn Pốt, không riêng tôi mà nhiều đồng đội đều căm phẫn. Tôi nghĩ rằng, chúng tôi tình nguyện tham gia chiến tranh Tây Nam không chỉ bảo vệ biên giới của Tổ quốc mà còn làm nghĩa vụ quốc tế giúp người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt vong”. 

Theo Tỉnh ủy Long An, tuyến biên giới Long An tiếp giáp 2 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng (Campuchia) có chiều dài hơn 132km. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia mong muốn được sống trong hòa bình nhưng tập đoàn Pôn Pốt luôn tìm cách phá rối, đe dọa nền độc lập của dân tộc. Cuộc chiến ở thời kỳ đầu rất khó khăn, gian khổ và thử thách. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, LLVT Long An đánh gần 1.000 trận (từ cấp trung đội trở lên), loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch, bắt hàng trăm tên, làm tan rã gần 2 sư đoàn địch. Mặc dù giành thắng lợi to lớn nhưng tỉnh cũng chịu tổn thất.

Là địa phương chịu nhiều đau thương, mất mát nhất trong chiến tranh biên giới Tây Nam, chắc hẳn nhiều người không thể nào quên vụ thảm sát kinh hoàng tại Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang do bọn Pôn Pốt gây ra. Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, lúc bấy giờ là Sư đoàn phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 330, Quân khu 9, kể: Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, Tịnh Biên và Khánh Bình thuộc tỉnh An Giang là hai khu vực chiến tranh ác liệt nhất, liên tục chiến đấu và liên tục bị tấn công. Vì mục tiêu của kẻ địch là muốn chiếm hai nơi này để tạo bàn đạp đánh vào Châu Đốc. Nhưng nhờ vào sự kết hợp chặt chẽ của Quân khu 9 cùng LLVT địa phương chiến đấu kiên cường nên kẻ địch không thực hiện được ý đồ. 

Đại tướng kể lại: “Lúc đó, anh Lê Đức Anh gọi chúng tôi lên nói là bây giờ rút Trung đoàn 3 về phòng ngự ở Tịnh Biên để một Trung đoàn thuộc Sư đoàn 4 cùng những anh em địa phương của Tri Tôn giữ Ba Chúc, rút Trung đoàn 1 sang Vịnh Bà để chiếm lại toàn bộ dụng cụ, máy móc mà địch đã chiếm được. Chúng tôi đi có 2 ngày thì mất Ba Chúc, nó vào giết hơn 3.000 người dân ở Ba Chúc. Đánh đuổi địch ra khỏi biên giới Vịnh Bà, về để thay thế Trung đoàn 3 tiếp tục đánh Ba Chúc. Cuối cùng ta cũng giải phóng được Ba Chúc. Từ đó liên tục đánh, sau đó tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tại cánh đồng núi Phú Cường”. 

Bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam

Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia, từ ngày 23/12/1978, quân tình nguyện Việt Nam cùng LLVT của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công, lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pôn Pốt. 

Du khách tham quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pôn Pốt (nhà mồ Ba Chúc) tại tỉnh An Giang

Đến ngày 06/01/1979, ta bắt đầu tổng công kích vào thủ đô Phnom Penh. Sau 2 ngày tổng công kích, vào ngày 07/01/1979, quân tình nguyện Việt Nam và LLVT của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia giải phóng Phnom Penh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari. Thắng lợi ngày 07/01/1979 là thắng lợi chung của nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Đây là bài học quý báu trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển của hai quốc gia.

Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng, chỉ trong vòng 4 năm, tập đoàn Pôn Pốt tàn sát gần 3 triệu người dân Campuchia, xóa bỏ hầu hết cơ sở vật chất - xã hội và đẩy dân tộc Campuchia trước thảm họa diệt vong. Đối với Việt Nam, chúng xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, huy động hàng chục sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn địa phương tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới nước ta. Đi đến đâu, chúng cũng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 

Trong cuộc chiến vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt đó, biết bao cán bộ, chiến sĩ Việt Nam hy sinh hoặc để lại một phần thân thể của mình trên các chiến trường. Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc. Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam sẽ mãi đọng lại trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam, Campuchia cũng như nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. 
40 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho hai quốc gia, vì hòa bình, độc lập dân tộc, sự ổn định, phát triển trong khu vực và quốc tế./.

Pôn Pốt giết hại và bắt hơn 30.000 dân thường tại các xã biên giới của Việt Nam, 400.000 người dân mất nhà cửa, trên 3.000 nhà bị bỏ hoang; nhiều nhà thờ, trường học, chùa chiền bị chúng đốt phá,... Từ ngày 23/12/1978 đến 17/01/1979, quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiêu diệt và làm tan rã 18 sư đoàn quân Pôn Pốt, diệt 12.000 tên, bắt 8.800 tên, gọi hàng 3.200 tên và làm tan rã tại chỗ 44.000 tên; giải phóng trên 4 triệu dân Campuchia, đập tan bộ máy thống trị của tập đoàn phản động Pôn Pốt từ trung ương đến cơ sở.

(Trích 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979 - 07/01/2019), tài liệu của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Việt Nam)

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết