Hạn ngách xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng Tư là 400.000 tấn. (Ảnh: TTXVN)
Bộ Công Thương vừa có văn bản số 2806/BCT-XNK gửi Thủ tướng Chính phủ giải đáp các ý kiến và đề xuất của Bộ Tài chính (nêu tại Văn bản số 4676/BTC-TCHQ ngày 16/4) liên quan tới phương án điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.
Kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu
Đại diện Bộ Công Thương cho biết sau khi Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu gạo, chiều 24/3, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp báo cáo, sau đó có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép rà soát, đánh giá lại nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo. Ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt.
Với thời hạn 3 ngày và trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, việc tổ chức làm việc với từng tỉnh, từng doanh nghiệp chủ chốt để nắm tình hình là không khả thi. Vì vậy, Bộ Công Thương đã mời các Bộ, ngành có liên quan cùng đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực và 20 thương nhân có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tham dự buổi làm việc với Đoàn kiểm tra vào ngày 26/3.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra và trong các góp ý sau đó, không có tỉnh, thành phố, doanh nghiệp hay Bộ, ngành nào, kể cả Bộ Tài chính, cho rằng việc chỉ tổ chức một cuộc họp 1/2 ngày là "chưa nghiêm túc" và "chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo" như Bộ Tài chính sau này nhận xét.
Bên cạnh đó, trong cả 2 lần góp ý, ý kiến quan trọng nhất của Bộ Tài chính là chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm và tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6 để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia." Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế."
Văn bản của Bộ Công Thương khẳng định đã hai lần giải trình với Thủ tướng Chính phủ về lý do không thể tiếp thu ý kiến này của Bộ Tài chính. Bởi lẽ, việc cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.
“Cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn,” đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.
Hơn nữa, theo đại diện Bộ Công Thương, đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển bởi bằng mắt thường rất khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu).
“Xuất phát từ đây, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu. Chi phí tăng thêm về thời gian và tiền bạc là rất lớn và bất hợp lý trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đã đồng tình hạn chế xuất khẩu gạo để chung tay cùng Chính phủ bảo đảm an ninh lương thực,” đại diện Bộ Công Thương dẫn chứng.
Hải quan không nêu bất cập của phương thức FCFS
Trước đó Bộ Tài chính cho rằng phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS) là bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng ý kiến này đã "không được Bộ Công Thương tiếp thu."
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương trong cả 2 lần góp ý cho báo cáo của Đoàn kiểm tra và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều không có ý kiến về các "bất cập" của phương thức FCFS trong điều hành hạn ngạch.
Văn bản số 2806 của Bộ Công Thương cho biết ý kiến của Bộ Tài chính xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 10/4 tại Văn bản 4355/BTC-QLG, khi phương thức FCFS đã được đề xuất công khai trước đó 13 ngày và Thủ tướng (sau khi cân nhắc tất cả các ý kiến tham gia) đã có văn bản chỉ đạo về phương thức điều hành xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện giữ tốp đầu thế giới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Trên thực tế, trong suốt 2 tuần sau khi phương án điều hành xuất khẩu gạo được công bố, Bộ Công Thương không nhận được ý kiến trái chiều nào về phương thức FCFS. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho đây là phương thức tương đối phù hợp bởi khả năng giải tỏa cho các doanh nghiệp có sẵn hàng tại cảng là rất cao.
Thêm vào đó, trước khi đề xuất phương thức FCFS, Đoàn kiểm tra liên ngành đã thận trọng tham khảo ý kiến của Tổng cục Hải quan về tính khả thi nhưng không nhận được ý kiến nào khác của cả Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính.
Mặc dù vậy, khi Thủ tướng có chỉ đạo về điều hành xuất khẩu gạo tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4, Bộ Công Thương đã gửi dự thảo Quyết định của Bộ về áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo tới Tổng cục Hải quan để xin ý kiến. Tuy nhiên, trong góp ý của mình, Tổng cục Hải quan không đề cập tới các "bất cập" của phương thức điều hành FCFS.
“Rất tiếc là sau đó, việc triển khai cơ chế FCFS trên thực tế đã để xảy ra một số sự việc mà theo nhận xét của các doanh nghiệp là thiếu phối hợp, thiếu công khai, minh bạch, gây thêm khó khăn… dẫn đến những bức xúc không đáng có, không phải lỗi tự thân của cơ chế FCFS. Các ý kiến này đã được Bộ Công Thương tổng hợp chuyển tới Bộ Tài chính để xem xét, xử lý theo thẩm quyền,” đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Theo văn bản 2806, cơ chế điều hành hạn ngạch do Bộ Tài chính đề xuất là đấu thầu hạn ngạch, trên thực tế là bán hạn ngạch để thu tiền vào ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh khi người dân và doanh nghiệp phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang tìm mọi cách hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch ra bán để thu tiền là việc không nên làm.
Hơn thế nữa nếu áp dụng sẽ phải mất ít nhất 15 - 20 ngày làm các thủ tục, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 2827 về việc phải “giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo.”
Về mối quan hệ giữa xuất khẩu gạo và dự trữ quốc gia, văn bản 2086 của Bộ Công Thương cho biết, phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 4, tháng 5 do đơn vị này đề xuất được xây dựng dựa trên số liệu trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng trong nước, lượng gạo hàng hoá có thể xuất khẩu và phải xuất khẩu để đảm bảo tiêu thụ hết thóc gạo cho người dân là khoảng 3 triệu tấn.
Mặc dù khối lượng để lại trong nước đã tính cả lượng dành cho dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương vẫn đề xuất và được các bộ, ngành đồng ý về việc để lại thêm 300.000 tấn từ số lượng xuất khẩu để giúp Bộ Tài chính thực hiện kế hoạch mua dự trữ lương thực năm 2020. Nếu vẫn không mua được thì Bộ Tài chính cần đánh giá lại để làm rõ hơn vì sao lại không thể thực hiện được chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Công Thương thông tin thêm việc các doanh nghiệp trúng thầu nhưng không ký hợp động đã phải chịu trách nhiệm bằng cách mất tiền bảo đảm dự thầu (1% - 3% giá trị gói thầu) cho Bộ Tài chính. Như vậy đối chiếu với quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về giao dịch dân sự, doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng đề xuất cấm các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu không có cơ sở pháp lý.
"Xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội nhưng cơ quan nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lý như vậy," văn bản của Bộ Công Thương khuyến nghị./.
Theo Vietnamplus