Tiếng Việt | English

15/08/2019 - 19:35

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn chi sai bảo hiểm thất nghiệp

Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kết luận một số trường hợp chi sai bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chi sai là 18,9 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ngày 15/8, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhiều nội dung liên quan đến tình trạng lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động tự ý bỏ ra ngoài làm việc, chi sai bảo hiểm thất nghiệp...

33% lao động tự ý phá bỏ hợp đồng

Trước thực trạng người lao động tự ý phá bỏ hợp đồng, bỏ ra ngoài làm việc, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động và làm mất ổn định thị trường lao động của nước đối tác, làm giảm uy tín của lao động Việt Nam, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) chất vấn về trách nhiệm quản lý và biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tình trạng này chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc. Năm 2016 được đánh giá là năm có tỷ lệ lao động bỏ ra ngoài cao nhất, ở mức 55%. Tuy nhiên đến nay, con số này giảm còn 33% và nước đối tác cho rằng đây là tỷ lệ chấp nhận được.

Về việc người lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài phải trả chi phí môi giới cao hơn nhiều lần so với các nước khác trong khối ASEAN, việc bảo vệ quyền lợi người lao động gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích tại một số nước, các doanh nghiệp chỉ đưa người đi sang nước ngoài lao động là hết trách nhiệm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn phải quản lý, thậm chí tham gia xử lý những việc liên quan đến người lao động khi có vấn đề xảy ra tại nước đối tác.

Năm 2017 có xấp xỉ 127.000 người, năm 2018 khoảng 143.000 người Việt Nam sang lao động tại nước ngoài. Không chỉ số lượng, địa bàn lao động cũng được mở rộng như Australia, Đức, Romania và gần đây nối lại với Séc sau một thời gian gián đoạn.

Hiện nay, khoảng 350 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đưa người Việt Nam sang nước ngoài làm việc. Ông khẳng định doanh nghiệp Việt căn cứ vào các quy định pháp luật và hiệp định lao động giữa hai nước để quy định mức tiền chi trả.

Chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) về thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này, toàn ngành đã tập trung cao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, với mục tiêu phấn đấu số người học nhiều hơn, chất lượng đào tạo nâng lên, người học ra trường phải có việc làm và tạo ra sự ủng hộ của xã hội trong việc giáo dục nghề nghiệp, coi đây là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Thời gian qua, các văn bản liên quan đến triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành đầy đủ, kịp thời và về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo đúng quy định. Hiện đã có 63 văn bản được ban hành, trong đó có 8 nghị định của Chính phủ.

Về tuyển sinh, trước thời điểm có nghị quyết của Quốc hội, kết quả tuyển sinh đạt 60% kế hoạch đặt ra, nhưng hai năm qua đều vượt kế hoạch, đặc biệt năm 2018 đạt 107% kế hoạch.

Quang cảnh buổi chất vấn và trả lời chất vấn thuộc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Đến hết tháng 6/2019, tỷ lệ tuyển sinh vượt 15% so với cùng kỳ năm 2018 và nhiều trường đã tuyển sinh xong chỉ tiêu. Nhiều trường điểm đầu vào 14-15 điểm. Gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường được triển khai quyết liệt.

Hầu hết các trường đều triển khai ký kết với doanh nghiệp, ký hợp tác và đặt hàng đầu ra. Dự kiến tháng 9/2019, Thủ tướng sẽ chủ trì Diễn đàn quốc gia về nâng tầm kỹ năng nghề nghiệp cho lao động Việt Nam.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết chất lượng đào tạo có chuyển biến, kết quả tốt nghiệp năm 2018 sau kiểm tra đánh giá cho thấy, 85% số sinh viên, học sinh của trường nghề ra trường có việc làm, tăng 5% so với năm 2017. Nhiều trường nghề cam kết học sinh ra trường có việc làm với mức lương tối thiểu được thông tin cụ thể.

Cuối năm 2019, hoàn thành hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công

Nói về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, toàn bộ kinh phí để thực hiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa 413.000 căn nhà cho người có công đã được phân bổ xuống các địa phương, hơn 80% trong số đó đã được triển khai, còn 20% đang phấn đấu cơ bản hoàn thiện trong năm 2019.

Giải thích lý do chậm, Bộ trưởng cho biết khi Trung ương phân bổ ngân sách, một số địa phương triển khai theo các quy định của Luật Đầu tư công, do đó phải chờ thực hiện theo các quy trình nên bị chậm. Sau khi các địa phương có báo cáo, Chính phủ đã có văn bản chính thức cho thực hiện theo chương trình hỗ trợ, giao cho các gia đình chủ động tiến hành.

Xử lý nghiêm các trường hợp chi sai vì mục đích trục lợi

Vấn đề chi sai bảo hiểm thất nghiệp và trách nhiệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng và các cơ quan liên quan trong việc này, được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay số liệu của Kiểm toán Nhà nước năm 2015 có đề nghị thu hồi 18,8 tỷ đồng. Sau đó, giải trình ở các cuộc họp, Kiểm toán chấp thuận cho chi 5,4 tỷ đồng, còn 13,8 tỷ đồng chi không đúng, đến nay đã thu hồi đủ số tiền trên.

Năm 2018, Kiểm toán đã phát hiện và kết luận một số trường hợp với tổng số tiền chi sai là 18,9 tỷ đồng. Theo thông báo, chủ yếu số này do tình trạng chưa kết nối nên nhiều trường hợp khi thất nghiệp và nhảy việc nhưng vẫn làm thủ tục để nhận bảo hiểm thất nghiệp. Ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng cho biết trong tuần tới, ông sẽ dành thời gian để nghe cụ thể vấn đề này, làm việc trực tiếp với Kiểm toán về cách thức xử lý trong từng trường hợp.

“Tinh thần là đối với tất cả các trường hợp chi sai vì mục đích trục lợi phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Những trường hợp chi cho người thất nghiệp để đào tạo nghề, chuyển nghề mà trong quá trình đó, người lao động đồng thời nhảy việc, tùy từng trường hợp sẽ xử lý cụ thể. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường ba giải pháp cơ bản, trước hết là Chính phủ đang chỉ đạo Bộ xây dựng Đề án cải cách bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 28. Thứ hai, năm 2020, thanh tra của Bộ, ngành sẽ tập trung thanh tra về thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, thời gian qua chưa tập trung tốt vấn đề này. Thứ ba, tăng cường quản lý, kết nối cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết