Tiếng Việt | English

02/12/2020 - 22:55

Các giải pháp nhằm sớm đạt tỷ lệ bác sĩ/vạn dân

Hiện nay, ngành Y tế đang đối mặt với thực trạng thiếu hụt khá lớn về nguồn nhân lực, nhất là thiếu bác sĩ (BS) có kinh nghiệm và trình độ chuyên khoa sâu ở cả 3 tuyến (tỉnh, huyện, xã). Vì vậy, ngành đưa ra các giải pháp nhằm đạt chỉ tiêu Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XI, nhiệm kỳ 2020-2025 là 10 BS/vạn dân.

Hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Nhiệm kỳ qua, Long An thu hút được 33 BS, dược sĩ chính quy về công tác và được bố trí đúng vị trí việc làm, tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề và đi học các chuyên khoa sau đại học. Giai đoạn 2016-2019, tỉnh đào tạo trình độ đại học chính quy được 133 người (chỉ tiêu 330), đạt có 40,3% kế hoạch; đào tạo đại học liên thông được 220 người (chỉ tiêu 290), đạt 75,86%; đào tạo sau đại học 190 người (chỉ tiêu 212), đạt 89,62%.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có trên 1.200 BS làm việc tại các cơ sở y tế công lập, đạt chỉ tiêu NQ tỉnh giao (8 BS/vạn dân). Đến nay, tất cả trạm y tế (TYT) xã đều có BS phục vụ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Long An phấn đấu năm 2025 đạt 10 bác sĩ/vạn dân

Là TYT xã điểm của tỉnh nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc quan tâm. Trạm có 8 nhân viên y tế, trong đó có BS phục vụ 24/24 và được đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy đo điện tim, máy phun khí dung, phục vụ tốt công tác khám và điều trị bệnh cho người dân trong và ngoài xã. Bình quân mỗi tháng, trạm thu hút từ 800-900 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh. Các trường hợp bệnh nặng đều được tư vấn chuyển về tuyến trên điều trị kịp thời.

Trưởng TYT xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên y tế tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao y đức, tinh thần, thái độ phục vụ nhằm hướng đến sự hài lòng của người bệnh”.

Giải pháp lâu dài, khả thi

Nguồn nhân lực bị thiếu do việc thu hút, tuyển dụng y, BS còn hạn chế; tình trạng BS bỏ việc, chuyển công tác và nghỉ hưu ngày càng nhiều, nhất là BS có kinh nghiệm, chuyên khoa sâu. Việc thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực theo các NQ của HĐND tỉnh đạt hiệu quả chưa cao.

Để giải quyết vấn đề về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế đạt chỉ tiêu theo NQ đề ra, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh kiến nghị cấp trên, ngành liên quan cần đưa ra giải pháp căn cơ, lâu dài và khả thi. Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Long An - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “BV đề nghị cấp trên có giải pháp đào tạo BS theo địa chỉ sử dụng, có chính sách giữ chân BS và tạo điều kiện về nhà ở, học tập, môi trường thăng tiến. Đồng thời, cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh được ký hợp đồng ngắn hạn với BS có kinh nghiệm đã nghỉ hưu từng công tác tại BV hoặc nơi khác tham gia công tác chuyên môn tại BV, kinh phí trả lương được trích từ nguồn thu của đơn vị. Đối với BS mới tốt nghiệp xin việc hoặc BS địa phương khác đến xin việc thì có cơ chế tuyển dụng ngay, không chờ đến đợt tuyển, tránh tình trạng BS bỏ việc đi nơi khác”.

Là đơn vị thuộc huyện biên giới, mới thành lập nên Mộc Hóa thiếu nguồn nhân lực y tế trầm trọng. “Cấp trên xem xét cho chủ trương điều động và có chế độ, chính sách thu hút BS mới ra trường về công tác tại huyện biên giới. Xử lý nghiêm hơn đối với các BS được đào tạo liên thông do kinh phí của Nhà nước và kinh phí tự lực xin nghỉ việc hoặc bỏ việc” - Giám đốc Trung tâm Y tế Mộc Hóa - Trần Văn Ninh đề nghị.

Sở Y tế tiếp tục phối hợp ngành liên quan xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành NQ mới về chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế phù hợp tình hình mới và đề xuất xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế giai đoạn 2021-2025 nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực sẵn có tại chỗ nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu về chuẩn trình độ và cơ cấu, định mức theo quy định.

Nguồn nhân lực bị thiếu hụt dẫn đến việc thực hiện được các dịch vụ y tế cận lâm sàng bị hạn chế, nhất là tuyến y tế cơ sở. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xuất toán bảo hiểm y tế. Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực y tế cũng như đạt chỉ tiêu NQ đề ra, rất cần có giải pháp đồng bộ giữa các sở, ngành liên quan. Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng như góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết