Tiếng Việt | English

06/11/2017 - 11:38

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga

Chính sách kinh tế mới của V.I.Lê-nin với công cuộc phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, khẳng định những giá trị hiện thực, ý nghĩa mang tính thời đại mà Cách mạng Tháng Mười đem lại, không thể không nhắc đến di sản lý luận quan trọng nhất của V.I. Lê-nin về xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là Chính sách Kinh tế mới được soạn thảo năm 1921. Chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đề ra qua các nhiệm kỳ Đại hội, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã minh chứng hùng hồn sự vận dụng sáng tạo chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin trong sự nghiệp đổi mới, đưa nền kinh tế nước ta từng bước tiến lên.

V.I.Lênin. Ảnh: tuyengiao.vn

Sau Cách mạng Tháng Mười, tình trạng kinh tế của nước Nga Xô viết vô cùng tồi tệ. Trong nước, hậu quả của nội chiến những năm 1918-1920 làm khánh kiệt đất nước, cản trở công việc tái thiết lực lượng sản xuất vốn đã bị tàn phá nặng nề. Thêm vào đó, nạn mất mùa năm 1920, nạn dịch súc vật… làm tăng thêm những vùng bị đói, càng cản trở việc khôi phục giao thông và công nghiệp. Bên ngoài, quân đội 14 nước đế quốc cấu kết các lực lượng phản cách mạng trong nước mở cuộc tấn công nhằm tiêu diệt nước Nga Xô viết.

Để chống thù trong, giặc ngoài, đầu năm 1919, chính quyền Xô viết thực hiện chính sách “Cộng sản thời chiến”; huy động tối đa nguồn của cải, nhân lực của đất nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đến cuối năm 1920, nước Nga đẩy lùi sự can thiệp của các nước đế quốc, bảo vệ chính quyền non trẻ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, chính sách “Cộng sản thời chiến” bộc lộ những hạn chế. Trong điều kiện đất nước có nội chiến và sự can thiệp của bên ngoài, làm cho nền kinh tế nước Nga bị lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng; nông dân nhiều nơi tỏ ra bất mãn; khối liên minh công nông có nguy cơ tan vỡ… V.I.Lê-nin ví nền kinh tế nước Nga lúc này như một người bị đánh “thập tử nhất sinh” chỉ có thể đi lại bằng đôi nạng.

Đứng trước tình hình đó, Đại hội X của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga (từ ngày 08/3 đến ngày 16/3/1921) chủ trương thay Chính sách “cộng sản thời chiến” bằng Chính sách kinh tế mới (NEP). Một trong những nội dung cơ bản của Chính sách kinh tế mới là phải phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, V.I.Lê-nin chỉ rõ: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơrớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc. etc. + + = tổng số = chủ nghĩa xã hội”; V.I.Lê-nin phê phán những đảng viên chỉ muốn mơ ước về “sự trong sạch” của chủ nghĩa cộng sản, sính thảo ra những dự án, quy chế và quy tắc khác nhau nhưng lại không thúc đẩy được công việc thực tế tiến lên.

Nhờ có chính sách kinh tế mới và quá trình sản xuất nên chỉ trong vòng một năm rưỡi nhân dân Liên Xô đạt những kết quả rực rỡ, có ý nghĩa quyết định trong kinh tế; tình cảnh của nông dân và đa số những người tiểu sản xuất được cải thiện; trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ có sự tiến triển, không còn cảnh công nhân bất bình; lĩnh vực công nghiệp nặng bắt đầu tích lũy được vốn cần thiết để vực nền công nghiệp nặng đi lên. Có thể nói, Chính sách kinh tế mới của V.I.Lê-nin chính là cơ chế đặc trưng cho thời kỳ quá độ xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội.

Đối với nước ta, trước đổi mới (1986), mô hình chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng thực chất là mô hình chủ nghĩa xã hội “kiểu xô viết”, bên cạnh những thành tựu có không ít sai lầm: Tuyệt đối hóa vai trò của chế độ công hữu; đối lập một cách máy móc sở hữu tư nhân với chủ nghĩa xã hội; đồng nhất chế độ phân phối bình quân với chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa; phủ định chủ nghĩa tư bản một cách sạch trơn; phủ định kinh tế hàng hóa trong chủ nghĩa xã hội; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản...

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (15 đến 18/12/1986), bước ngoặt cơ bản và quyết định của đổi mới, đột phá vào những quan điểm sai lầm về chủ nghĩa xã hội. Chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, bắt đầu từ đổi mới tư duy, nhận thức về lý luận mác xít. Đảng ta nhận thức và vận dụng sáng tạo Chính sách kinh tế mới của V.I.Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta; thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần là đặc trưng của cơ cấu kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và chủ trương “bằng những biện pháp thích hợp, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế - xã hội chủ nghĩa”.


Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã minh chứng hùng hồn sự vận dụng sáng tạo chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin. Ảnh: dangcongsan.vn

Qua các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta xác định rõ năm thành phần kinh tế trong nền kinh tế thời kỳ quá độ ở nước ta là: Kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII nêu chủ trương: “Bổ sung và sửa đổi thể chế nhằm bảo đảm cho tập thể, cá thể và tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; được tự lựa chọn hình thức kinh doanh, kể cả liên doanh với nước ngoài theo những điều kiện do luật định”. Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã thông qua “Quy định đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân chính là huy động, phát huy tiềm năng của mọi người dân, trong đó có đội ngũ đảng viên, tạo động lực để thúc đẩy phát triển KT-XH. Định hướng về phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, Đại hội XI chỉ rõ: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức, kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”. Đại hội XII khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. Gần đây nhất, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 (khóa XII) tiếp tục xác định rõ việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, có thể nói, quan điểm của Đảng ta về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước chính là sự tiếp tục cuộc cách mạng trên lĩnh vực quan hệ sản xuất trong điều kiện mới, bảo đảm thích ứng của quan hệ sản xuất với trình độ hiện có của lực lượng sản xuất, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta vận dụng, phát triển sáng tạo NEP của V.I. Lê-nin trong việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Từ đó, đưa nền kinh tế nước ta từng bước tiến lên, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Nguyễn Thị Hiền (Trường Chính trị tỉnh Long An)

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích