Tiếng Việt | English

14/08/2015 - 14:32

Chủ tịch nước: Cần nâng cao vai trò, vị trí của luật gia Việt Nam

Chủ tịch nước lưu ý nâng cao trình độ cho đội ngũ luật gia, đồng thời nâng cao vai trò vị trí của luật gia Việt Nam.

Sáng 14/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam về tình hình hoạt động của Hội, nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò, vị trí và nhiệm vụ của đội ngũ Luật gia Việt Nam trong công cuộc cải cách tư pháp hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Hội Luật gia Việt Nam

Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp được thành lập ngày 4/4/1955. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam từ chỗ chỉ có 40 hội viên, đến nay, Hội đã có hơn 46.000 hội viên ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước; tập hợp được ngày càng nhiều luật gia có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm và đao đức nghề nghiệp đã và đang làm công tác pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế xã hội; những người hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia tổ chức hội.

Bên cạnh nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm thì công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải cơ sở được hội xác định là một trong những hoạt động cơ bản, thường xuyên, đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam và phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước được các cấp hội từ Trung ương đến cơ sở quan tâm, đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.

Đáng chú ý, 5 năm qua, các Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội như: Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo và phát triển cộng đồng; Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách y tế HIV/AIDS; Trung tâm tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng đã tổ chức tư vấn pháp luật hơn 370.000 ngàn vụ việc và trợ giúp pháp lý hơn 275.000 vụ việc. Đối tượng được tư vấn pháp luật chủ yếu là người dân, hộ gia đình, đối tượng xã hội, nhóm người yếu thế, người nghèo, người dân tộc thiểu số dưới nhiều hình thức như trực tiếp, qua điện thoại, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn lưu động, tư vấn tại cộng đồng; truyền thông và trợ giúp pháp lý.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng hoạt động Hội còn gặp khó khăn đó là sự phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan còn hạn chế, một số hội khó khăn về biên chế, kinh phí hoạt động…Các đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để Hội Luật gia phát huy tốt hơn nữa vai trò và khả năng trong giám sát, phản biện xã hội, giám sát việc thi hành pháp luật, tư vấn hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước; tạo điều kiện để Hội Luật gia tham gia sâu hơn trong các hoạt động cải cách tư pháp, đối ngoại nhân dân, hợp tác quốc tế…

Đánh giá cao Hội Luật gia Việt Nam thời gian qua đã tích cực tham gia công tác xây dựng chính sách, pháp luật, trực tiếp chủ trì, hoặc tham gia đóng góp nhiều dự thảo luật có chất lượng, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại tố cáo và hòa giải ở cơ sở khá hiệu quả, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặc biệt lưu ý vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong việc giám sát và tham gia phản biện chính sách xã hội.

Với kinh nghiệm và trình độ pháp lý, hội viên luật gia có khả năng góp phần cùng các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam… để nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, phản biện chính sách xã hội, một trong lĩnh vực quan trọng nhưng chưa hiệu quả thời gian qua.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Chủ tịch nước cho rằng chúng ta cần phải nâng cao hơn trình độ cho đội ngũ luật gia, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để có thể tham gia vào các định chế, các tổ chức quốc tế, có như vậy mới có thể bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của quốc gia, của tổ chức và cá nhân Việt Nam, đồng thời nâng cao vai trò vị trí của luật gia Việt Nam.

Ghi nhận một số kiến nghị của Hội Luật gia Việt Nam về thiếu biên chế, nguồn lực… Chủ tịch nước lưu ý, Đảng, Nhà nước rất quan tâm giao đề án, dự án để thực hiện, tạo điều kiện cho Hội tham gia vào các hoạt động cải cách tư pháp…, tuy nhiên, Hội Luật gia cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa, thực hiện dịch vụ công… đây chính là yếu tố giải bài toán nguồn lực trong khi, biên chế, ngân sách còn khó khăn.

Chủ tịch nước đề nghị Hội Luật gia Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các bộ ngành để sớm giải quyết những vướng mắc, những mục tiêu đặt ra nhằm đưa Nghị quyết của Đại hội Hội Luật gia Việt Nam lần thứ 12 thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao vai trò, vị trí và nhiệm vụ của đội ngũ Luật gia Việt Nam trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế của nước ta./.

Hoàng Dũng/VOV 

Chia sẻ bài viết