Tiếng Việt | English

30/04/2020 - 09:44

Chuyện về người trinh sát anh hùng

Những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi tìm về nhà của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm (còn gọi là Năm Gấu), ngụ ấp Nam, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An để nghe ông kể về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tuy gian lao mà anh hùng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình tặng hoa, quà cho Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Năm

Sớm giác ngộ cách mạng

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà yên tĩnh là người đàn ông với mái đầu bạc nhưng toát lên vẻ nhanh nhẹn, tinh anh của một trinh sát lão luyện năm nào. Nhấp ly trà, ông hồi tưởng lại cuộc đời mình như một cuốn phim. “Mới đó đất nước giải phóng được 45 năm mà tôi cứ ngỡ như ngày hôm qua. Hồi đó, khi nghe đài tại Trung ương Cục miền Nam phát đi thông điệp thắng trận của quân ta và Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, cảm xúc lúc ấy thật không có gì diễn tả hết. Có ai bên cạnh là ôm ghì lấy nhau khóc, cùng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”, quên hết những trận đấu khốc liệt mà thay vào đó là niềm hạnh phúc vỡ hòa” - ông nhớ lại.

Ông Năm kể lại quá trình tham gia kháng chiến chống Mỹ

Ông Năm sinh ra và lớn lên ở xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân nghèo. Nhà có 4 anh chị em nhưng không có ai được đi học, từ nhỏ phải đi làm thuê phụ giúp gia đình kiếm sống. Hồi đó, nhà ông Năm ở gần đồn bót của địch. Hàng ngày, chứng kiến sự hung hăng, tàn bạo của quân địch, cậu thiếu niên nung nấu ý chí quyết tâm lên đường giết giặc dù gia đình không có ai tham gia cách mạng. Vào một đêm tối, chàng thiếu niên khi ấy mới 15 tuổi bỏ nhà ra đi, tham gia du kích địa phương, nắm tình hình, báo cáo cho lực lượng vũ trang và vận động nhân dân đấu tranh chống càn quét.

“Hồi đó mình còn nhỏ, nhà lại ở cách bót địch chừng 400m, ngày nào bọn chúng cũng đi xuống nhà, hăm he, dọa nạt. Cuộc sống gia đình không lúc nào được yên. Lúc lựa chọn đi theo cách mạng, tôi cũng lo lắng người thân của mình sẽ bị địch tra tấn, giết hại nhưng rồi được sự động viên, tôi đã ra đi... Chiến tranh khốc liệt, người thân chẳng có tung tích, ai cũng nghĩ tôi đã chết... Tôi đi mãi đến sau khi hòa bình lập lại mới tìm về thăm gia đình” - ông nói.

Những năm tháng hào hùng

Năm 1964, khi vừa tròn 18 tuổi, ông nhập ngũ vào lực lượng An ninh vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam. Đến tháng 3-1967, ông nhận công tác tại Trung đội 5 (B5) Trinh sát, Đoàn 180.

Với vai trò là bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ông cùng đồng đội luôn là “lá chắn thép” tạo sự yên tâm cho Trung ương Cục chỉ đạo cách mạng miền Nam qua các giai đoạn - từ chống “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” đến lúc hoàn toàn đánh bại kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ông kể: “Lính trinh sát nhiều lần phải giáp mặt với kẻ thù, có khi địch giả danh quân ta đánh lạc hướng, lúc đó mạng sống trở nên mong manh, sống chết trong gang tấc nên lính trinh sát phải biết đọc tình huống, nhạy bén xử lý tình huống - đó là tố chất cần thiết. Nhiều trận quân ta chiến thắng oanh liệt trong thế trận hoàn toàn không cân sức, đập tan ý đồ tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng miền Nam của đế quốc Mỹ, bảo vệ tuyệt đối an toàn căn cứ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương cục: Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ,...”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là danh hiệu cao quý nhất mà ông Năm được phong tặng vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Cũng trong những năm tháng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại Trung ương Cục miền Nam, ông cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh tiêu diệt bọn biệt kích, thủy quân lục chiến, bộ binh của Mỹ - ngụy ở khu vực Trảng Hàng Gòn, Trảng Sến, Trảng Tranh, Tà Nốt, Tà Âm,...

Một trong những trận đánh, ông nhớ nhất có lẽ là trận chiến đấu chống càn Giôn-xơn-xi-ty tại Trảng Hàng Gòn (nay là xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Với nhiệm vụ vừa trinh sát, vừa đánh địch, ông được phân công tiêu diệt bộ binh, hỗ trợ đồng đội đánh xe tăng và máy bay. Trong trận này, nhờ quen thuộc địa hình, nhận thấy có thể đánh áp đảo quân địch, ông tiến lại nơi gần nhất rồi bất ngờ nổ súng tiêu diệt gọn 5 tên. Sau khi nghe tiếng súng, địch bỏ chạy tán loạn, quân ta rút lui về vị trí an toàn. Trận này, ông cùng tiểu đội tiêu diệt 4 xe tăng và bắn rơi 1 máy bay trực thăng.

Ngày 28-12-1967, qua trinh sát nắm tình hình, phát hiện một đội biệt kích Mỹ đang đóng tại Trảng Tranh để bảo vệ căn cứ Thiện Ngôn, ông xin ý kiến cấp trên và trực tiếp chỉ huy tiểu đội tập kích bất ngờ, diệt được gần 70 tên địch. Sau đó, ông cùng một đồng đội tiếp cận đội hình địch, cài 2 trái mìn, tiêu diệt gần toàn bộ đại đội địch. Trận đánh này mang về cho ông danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 1 và 1 bằng khen nữa là trận đánh tại Trảng Tranh (nay thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên).

Viết tiếp truyền thống

Sau khi thống nhất đất nước, ông cùng đồng đội tiếp tục bảo vệ, xây dựng quê hương. Hòa bình được vài năm, người trinh sát quả cảm, gan lì này lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Gần 10 năm chiến đấu chống bọn phản động Pôn Pốt, ông trực tiếp chỉ huy 15 trận đánh lớn, diệt 135 tên địch, bắn cháy 2 xe tăng, thu hơn 100 súng các loại.

Trải qua cuộc kháng chiến giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, ông Năm trở về và được đơn vị cử đi học bổ túc văn hóa tại Trường Văn hóa Quân khu 7. Đến năm 1988, ông được tạo điều kiện để đoàn tụ gia đình và chuyển về làm Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An.

Năm 1999, ông nghỉ hưu theo chế độ với cấp hàm Đại tá. Về với cuộc sống đời thường, người cựu chiến binh ấy vẫn không nghỉ ngơi mà cùng gia đình lao động, sản xuất. Trong cuộc sống gia đình, ông cùng vợ nuôi dạy 3 người con nên người, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Năm 2012, ông làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cần Giuộc và vừa thôi giữ chức vụ này những tháng đầu năm 2020. “Bây giờ lớn tuổi rồi nên tôi xin nghỉ ngơi, về sống vui với con cháu. Nhưng bất cứ khi nào địa phương cần, tôi vẫn tham gia. Không chỉ sinh hoạt đảng viên nơi cư trú mà các phong trào khác như tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới hay hoạt động an sinh xã hội, tôi cũng ủng hộ” - ông Năm bày tỏ.

75 tuổi đời, 60 năm hoạt động cách mạng, hơn 50 tuổi Đảng, ông Năm dành cả cuộc đời mình phục vụ đất nước, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Khi chúng tôi hỏi về bí danh Năm Gấu vẫn được ghi trong danh hiệu anh hùng, ông lý giải: “Khi làm hồ sơ phong anh hùng cho tôi vào năm 2011, Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang thắc mắc là tại sao tên của tôi là Trần Văn Năm lại được mở ngoặc thêm là Năm Gấu. Lúc đó, Bộ Công an đã giải thích và đề nghị Chủ tịch nước giữ nguyên bí danh của tôi, ghi trong danh hiệu để phân biệt với những cá nhân khác,... Bởi biệt danh Năm Gấu đã gắn liền với những trận đánh khi nhắc về tôi”./.

Ông Năm Gấu từng 3 lần được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 3 danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng”, 1 danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” và nhiều huân, huy chương. Năm 2011, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Trần Văn Năm (Năm Gấu), nguyên Trung đội phó, Trung đội 5 (B5) Trinh sát, Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết