Tiết kiệm thời gian, chi phí nhờ cao tốc
Chủ tịch nước - Nguyễn Xuân Phúc dự lễ thông xe kỹ thuật tuyến chính cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Những ngày cuối năm, tài xế Trương Công Chánh (35 tuổi) chạy xe tải từ Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chở rau, củ giao cho siêu thị tại TP.HCM. Ngoài xe anh Chánh, còn 3 xe tải luôn túc trực thay phiên chở nông sản đi giao. Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho hay, mỗi ngày, HTX giao từ 4-5 tấn rau, củ đến siêu thị tại TP.HCM và tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long. Trước đây, xe tải của HTX chủ yếu chạy trên tuyến Quốc lộ (QL) 1. Tuy nhiên, vào những ngày cuối tuần, lượng xe trên QL1 nhiều nên hay bị ùn tắc, việc giao hàng chậm trễ gây mất uy tín với bạn hàng.
“Từ ngày cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành đấu nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, việc vận chuyển hàng hóa đi TP.HCM và các tỉnh miền Tây thuận lợi hơn” - ông Cường nói. Giám đốc HTX cũng phân tích, lộ trình di chuyển trên cao tốc thường sẽ nhanh hơn, tiết kiệm gần một nửa thời gian cộng với chi phí xăng, dầu so với đi đường QL.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng góp phần “chia lửa” với Quốc lộ 1, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán
Trang trại chuối 120ha tại xã biên giới Mỹ Bình, huyện Đức Huệ có 5 xe container cũng đang chờ lên hàng đi xuất khẩu. Ông Võ Quan Huy (67 tuổi, chủ trang trại) thông tin, bình quân, mỗi ngày trang trại thu hoạch khoảng 20 tấn chuối, mỗi tuần xuất đi 5-6 container loại 20 tấn. Những năm trước, sản lượng chuối ở mức khoảng 10.000 tấn/năm, doanh thu mỗi năm khoảng 6 triệu USD. Những ngày gần Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, lượng hàng tại trang trại tăng khoảng 20%.
Theo ông Huy, hạ tầng vận tải đường thủy chưa được đầu tư đúng mức và mất nhiều thời gian nên doanh nghiệp chủ yếu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ. “Hiện nay, QL1 gần như quá tải, các doanh nghiệp tại miền Tây chỉ còn trông chờ hệ thống cao tốc sẽ được đầu tư hoàn thiện hơn” - chủ trang trại chuối chia sẻ.
Miền tây sẽ có 550km cao tốc trong 3 năm tới
Kỳ vọng của ông Huy cũng là kỳ vọng của hàng chục ngàn doanh nghiệp và trên 20 triệu dân khu vực ĐBSCL. Trong 2 thập kỷ qua, ngoài trục TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 113km, miền Tây chỉ có thêm tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài trên 51km nối TP.Cần Thơ qua tỉnh Kiên Giang được khai thác đầu năm 2021 với 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Các trục đường này cộng lại chưa đầy 200km, chiếm không đến 10% chiều dài cao tốc cả nước.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL nhận định, hạ tầng giao thông, thủy lợi và nguồn nhân lực đã được Chính phủ xác định là 3 "điểm nghẽn" cần đầu tư phát triển của miền Tây ngay từ những năm đầu của thập niên 2000. Chủ tịch nước - Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhận định, cần có 8 chữ "G" để phát triển miền Tây, trong đó giao thông là chữ G đầu tiên cần phải đầu tư để mở đường cho phát triển.
“Dù hạ tầng giao thông những năm gần đây đã được đầu tư, có thêm một số cây cầu lớn, tuyến QL và cao tốc nhưng so với nhu cầu, miền Tây vẫn là nơi “đói đường giao thông, khát đường cao tốc” - Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp ví von.
Miền Tây là vùng nông nghiệp trọng điểm lớn nhất cả nước nhưng hệ thống giao thông thiếu và yếu, trong đó, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa đưa vào sử dụng chỉ có 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, đã quá tải ngay.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan như nền đất yếu, lún, mức đầu tư cao,... có thể khắc phục, còn nhiều nguyên nhân chủ quan của thực trạng “khát cao tốc” của vùng. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, thiếu vốn bố trí hàng năm lẫn năng lực thi công của nhà thầu.
Quy hoạch phát triển tích hợp Vùng ĐBSCL xác định từ nay đến năm 2050, sẽ đầu tư phát triển 1.116km đường cao tốc miền Tây. Trong đó, đến năm 2030, đầu tư 830km cao tốc cùng 4.000km QL. Hạ tầng giao thông Vùng ĐBSCL phải hòa trong khí thế phát triển chung của cả nước, không thể chậm trễ hơn nữa. Tuy nhiên, giữa mục tiêu và thực tế còn khoảng cách khá xa.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp đề xuất, trước mắt cần tập trung “chạy nước rút” các dự án (DA) đang triển khai với tinh thần "thần tốc". Đối với các DA sắp triển khai, việc quy hoạch phải mang tính kết nối đa phương thức giao thông, cao tốc không chỉ đứng riêng lẻ mà phải kết nối với cảng biển, sân bay, đô thị công nghiệp. Thứ hai, cần phân kỳ đầu tư, bố trí vốn hàng năm, kết hợp công tác triển khai giải phóng mặt bằng hiệu quả của các địa phương. Thứ ba, phải có cơ chế mới trong đầu tư, có thể giao DA cho UBND các địa phương làm chủ đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Duy Lâm thông tin, ngoài 3 cao tốc hiện hữu ở Vùng ĐBSCL sắp được đầu tư nâng cấp, mở rộng, nhiều DA cao tốc khác cũng đang gấp rút triển khai. Đầu tiên là DA cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km, kết nối cao tốc từ TP.HCM về TP.Cần Thơ, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Giai đoạn 2021-2025, miền Tây có 109km cao tốc qua TP.Cần Thơ, các tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, chia thành 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang (37km) và Hậu Giang - Cà Mau (72km), tổng mức đầu tư trên 27.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, các tuyến cao tốc trục ngang ở ĐBSCL cũng sắp được triển khai gồm tuyến Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài 188km, kinh phí gần 44.700 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2027; DA Mỹ An - Cao Lãnh (Đồng Tháp) dài 26km dự kiến khởi công năm 2023./.
“Ước tính hết năm 2025, cơ bản hoàn thành thêm khoảng 460km cao tốc ở ĐBSCL, nâng tổng chiều dài các tuyến trong vùng lên 550km” - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Duy Lâm. |
Song Nhi - Trường Sơn