Tiếng Việt | English

23/07/2022 - 16:35

Dấu ấn của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trên đất Long An

Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (01/7/1822). Tuy không sinh ra ở Long An nhưng ông có thời gian ở nơi đây và để lại cho người dân những di sản văn hóa, tinh thần quý báu, góp phần tạo nên một truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng.

Nhân cách, đạo đức sáng ngời của cụ Nguyễn Đình Chiểu không chỉ được người cùng thời kính trọng mà đi qua 200 năm, nhân cách ấy vẫn là tấm gương cho bao thế hệ, là tình cảm thiêng liêng trong lòng của các tầng lớp nhân dân.

Dấu ấn chùa Tôn Thạnh

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu như một bức tượng đài nghệ thuật mà thời gian không thể làm phai mờ. Cụ đã đi xa nhưng những áng văn, thơ vẫn còn sáng mãi trên mảnh đất Long An Trung dũng kiên cường và trong trái tim, tư tưởng của người dân.

Chùa Tôn Thạnh - nơi danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu sinh sống và làm việc

Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Trước cảnh loạn lạc này, bà Lê Thị Điền tay bồng con thơ, tay dìu chồng lánh nạn tại làng Thanh Ba (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc). Chỉ vỏn vẹn trong 3 năm từ 1859-1861, tại quê vợ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã lưu lại dấu ấn bất hủ gắn với phong trào đấu tranh yêu nước của người dân nơi đây. Cần Giuộc ngày nay vẫn còn lưu giữ lại di tích xưa, nơi nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu từng sinh sống một khoảng thời gian oanh liệt, hào hùng. Trong thời gian lưu lại trên đất Cần Giuộc, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã ở chùa Tôn Thạnh (ban đầu chùa có tên là Lan Nhã) để dạy học, bốc thuốc, đồng hành cùng người dân khơi dậy tinh thần yêu nước của những nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Chùa Tôn Thạnh do thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808, là nơi gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân địa phương qua những thăng trầm lịch sử. Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Cần Giuộc - Đại đức Thích Tắc Nguyên cho biết, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã về chùa Tôn Thạnh và ở đây 3 năm. Khi ở chùa, cụ dạy học, bốc thuốc và sáng tác thơ, văn. Trong công tác giáo dục, cụ luôn nêu cao tinh thần yêu nước, điều này đã ảnh hưởng lớn đến nông dân rất nhiều. Trước sự tấn công của thực dân Pháp, nghĩa sĩ Cần Giuộc đã khởi nghĩa và tập hợp lại chống đối sự đánh chiếm của thực dân Pháp.

Chùa Tôn Thạnh là nơi ghi dấu trận chiến đấu đánh chiếm đồn Tây Dương chống giặc Pháp xâm lược và sự hy sinh cao cả của người dân Cần Giuộc. Tại Cần Giuộc, nghĩa quân đánh úp đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình, đốt nhà thờ, giết viên tri huyện người Pháp và một số lính Mã-tà, Ma-ní. Giặc Pháp phải huy động tàu chiến đến sông Cần Giuộc bắn đại bác dữ dội lên đồn mới đẩy lui được nghĩa quân. Trong trận này, 15 nghĩa quân hy sinh, trong đó, phần nhiều là người làng Mỹ Lộc.

Xúc động trước tấm lòng dũng cảm và sự hy sinh oanh liệt của những người nghĩa sĩ nông dân, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết nên áng văn bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Với lời lẽ vô cùng bi tráng, thống thiết, kiệt tác văn chương này làm rung động mãnh liệt tâm hồn, tình cảm của nhân dân cả nước.

Bằng ngòi bút tài hoa với những hình tượng văn học độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu, lần đầu tiên, người nông dân chân lấm tay bùn, rất mực bình thường, chỉ biết “cui cút làm ăn” bỗng trở thành những anh hùng cứu nước. Đây chính là tượng đài lịch sử mà ông dựng lên để tôn vinh tinh thần yêu nước quên mình của những người “dân ấp, dân lân” cho sự sống còn của dân tộc và Tổ quốc. Tác phẩm đã đi vào lịch sử văn, thơ yêu nước nhiều năm cho đến ngày nay. Ngoài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, cụ Nguyễn Đình Chiểu còn sáng tác các tác phẩm như Chạy giặc, Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Lục tỉnh sĩ dân trận vong,...

Chùa Tôn Thạnh là một trong những ngôi chùa cổ tại Long An. Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, chùa Tôn Thạnh không còn nguyên vẹn cảnh “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” như xưa. Tuy nhiên, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX và các hoành phi, câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng.

Trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh hiện còn 2 bia kỷ niệm được xây dựng vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Bên trong ngôi chùa có bàn thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu và anh linh các anh hùng áo vải quyết chiến đấu, hy sinh cho độc lập dân tộc. Năm 2003, chùa Tôn Thạnh được trùng tu và vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ truyền. Ngôi chùa này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích cấp quốc gia ngày 27/11/1997.

Tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc​

Để tri ân nghĩa sĩ Cần Giuộc cũng như ghi lại dấu tích cụ Đồ Chiểu, tỉnh đã xây dựng Tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc tại thị trấn Cần Giuộc. Tượng đài được khởi công xây dựng vào ngày 17/12/2011.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng cho biết, Tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc phác họa lại những hình ảnh của nghĩa sĩ để các thế hệ sau này biết về công ơn của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ

Sau 3 năm xây dựng, tượng đài được khánh thành vào ngày 13/4/2015 với vốn đầu tư hơn 29 tỉ đồng gồm các hạng mục: Bệ tượng, nhóm tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc, bia Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, nhà trưng bày. Điểm nhấn của công trình là nhóm tượng đài gồm 11 hình tượng con người cao 2,7m, thể hiện hình ảnh những nghĩa binh trong tư thế chiến đấu theo tinh thần tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu,... Thân tượng được chế tác từ chất liệu đá granit xám, cao 10m, nặng khoảng 800 tấn.

Nhà trưng bày Nghĩa sĩ Cần Giuộc nằm bên dưới tượng đài, nội dung trưng bày được chia làm 4 phần giới thiệu về đất và người Cần Giuộc; hoàn cảnh lịch sử Cần Giuộc thời điểm Pháp chiếm đánh Sài Gòn và các tỉnh miền Tây; về trận công đồn Tây Dương và một phần không thể thiếu là cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Tượng đài nghĩa sĩ Cần Giuộc đã thể hiện tinh thần, khí phách anh hùng của người nghĩa sĩ nông thôn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh Long An.

Ngày nay, trên đất Long An, nhiều công trình công cộng vinh danh Cụ Đồ được hình thành như đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.Tân An, huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng); Trường THCS và Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tượng danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc.

Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu là một trong những nhà thơ lớn, nhà giáo, người thầy thuốc, tấm gương về tinh thần yêu nước, sự bất khuất trước quân thù. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Đồ Chiểu luôn là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ noi theo./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích