Tiếng Việt | English

22/06/2022 - 13:12

Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Thực hành nguyên tắc đạo đức 'Nói đi đôi với làm'

“Nói đi đôi với làm” là một trong những nguyên tắc căn bản của đạo đức cách mạng. Đồng thời, “Nói đi đôi với làm” còn là yêu cầu, phương châm, lẽ sống của người cán bộ, đảng viên; là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa ý thức đạo đức và hành vi đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc và thực hành thường ngày trong công việc và trong đời sống.

Ảnh minh họa: Bộ đội giúp dân gặt lúa. (Ảnh: TTXVN)

Trong nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” thì “Nói” là nhận thức đúng và nói đúng, tuyên truyền đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhận thức rõ mình ở cương vị nào thì nói đúng chức trách, nhiệm vụ mà mình đảm nhận, nói một cách khác là “danh phải chính”, “ngôn phải thuận”; nhất quán trong lời nói, không thể “nói” trong họp chi bộ khác “nói” ở ngoài họp chi bộ. 

“Làm” ở đây là mỗi cán bộ, đảng viên trên cơ sở nhận thức đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ cụ thể phải cố gắng tổ chức, thực hiện cho tốt trên thực tế; phải thực hiện tốt những gì đã hứa với Đảng, với nhân dân, với cấp dưới, với mọi người; hành động đúng với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” đối lập với các biểu hiện: Nói không đi đôi với làm; nói mà không làm; nói nhiều làm ít; nói một đàng, làm một nẻo; nói trong cuộc họp chi bộ khác với nói ngoài cuộc họp chi bộ; dân chủ hình thức, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”; quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình. 

Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước… Những ai có những biểu hiện này là đã vi phạm nguyên tắc “Nói đi đôi với làm”.

Nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” với tư cách là một nguyên tắc đạo đức của người cán bộ, đảng viên yêu cầu: 

i) Người cán bộ, đảng viên phải giữ vững kỷ luật phát ngôn của Đảng; nói đúng, làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không được nói sai, viết sai, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng; không đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình trong nước và quốc tế,...

ii) Người cán bộ, đảng viên “…cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”(1), nghĩa là nói gắn liền với làm, không được nói suông, học phải đi đôi với hành; lý luận gắn liền với thực tiễn. 

iii) Phải nghiêm khắc phê phán những cán bộ hay nói suông, nói không làm. Đó là những cán bộ “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”(2); 

iiii) Người cán bộ, đảng viên phải nêu gương thực hiện nguyên tắc “Nói đi đôi với làm”. Bởi lẽ, với Việt Nam và phương Đông như Hồ Chủ tịch đã lưu ý “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Cũng vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(4). 

Để thực hành tốt trên thực tế nguyên tắc “Nói đi đôi với làm”, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, thấm nhuần sâu sắc nguyên tắc “Nói đi đôi với làm”; phải nhận thức đúng nội dung của “Nói” và “Làm”; nhận thức đúng chức trách, nhiệm vụ; mỗi công việc được giao đều phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, lộ trình, tiến độ, khối lượng và chất lượng để thực hiện có kết quả cao nhất. Dù việc to hay việc nhỏ đều phải nỗ lực, quyết tâm hoàn thành với kết quả tốt nhất. 

Đúng như Hồ Chủ tịch đã căn dặn: “Bất kỳ việc gì, to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì làm được, mà còn lôi cuốn người khác cùng quyết tâm như mình”(5). Tất nhiên quyết tâm phải gắn với hành động thực tiễn: “Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động”(6). ‘‘Trong công tác’’ và ‘‘trong hành động’’ ở đây chính là trong hoạt động thực tiễn, tức là bằng ‘‘Làm’’ chứ không phải bằng ‘‘Nói’’. 

Không nên trở thành những cán bộ ‘‘thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để nhà đầy rác” và “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được”(7). 

Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị, nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó nói đúng, phát ngôn đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, nghiêm túc học tập và vận dụng tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ‘‘Nói đi đôi với làm’’. Chúng ta đều rõ để thể hiện tinh thần thực tiễn, gắn bó sâu sát cơ sở, quán triệt quan điểm thực tiễn, trong khoảng hơn 10 năm, từ 1956 đến 1965, Hồ Chí Minh đã thực hiện trên 70 lần đi thăm, tiếp xúc với cơ sở, địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, các bệnh viện, trường học; thăm các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng... 

Mỗi năm tính trung bình, Người có hơn 7 lần xuống cơ sở, mỗi tháng Người có tới 6 đến 7 lần gặp gỡ, tiếp xúc với  quần chúng. Hay vào năm 1945, trước nạn đói của đồng bào, Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói và Người kêu gọi: “Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào  cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(8). 

Với Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên luôn phải gương mẫu đi đầu thực hành trong các phong trào. Có như vậy nhân dân mới tin theo và làm theo. Người nói: “Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời”(9). Hồ Chí Minh còn lấy ví dụ cụ thể để căn dặn cán bộ: “Tôi lấy thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. 

Đáng lý, dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được”(10). Nếu mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần tấm gương đạo đức và thực hành nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì chắc chắn chúng ta sẽ từng bước ngăn ngừa, khắc phục được các biểu hiện nói không làm; nói nhiều, làm ít; nói một đàng, làm một nẻo; hứa với dân không thực hiện lời hứa,...

Ba là, để thực hiện tốt nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” hiện nay, trước hết cần phải thực hiện nghiêm “nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể, với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học tập đi đôi với làm theo”(11) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ người lãnh đạo cấp cao đến cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở. 

Đồng thời “Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(12). 

Từng bước hoàn thành cơ chế kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên để từng bước xóa bỏ các cơ chế quản lý đã lỗi thời không kiểm soát được hiện tượng khai man, biến báo tài sản cá nhân, thành tích, bằng cấp, chứng chỉ,... Phải thực hiện công khai minh bạch, trước hết là chức trách của mỗi người để có sự kiểm tra, giám sát từ tổ chức và nhân dân. Tăng cường giáo dục lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm chống chủ nghĩa cá nhân trong chính mỗi cán bộ, đảng viên. 

Cần thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo”(13).

Các giải pháp nêu trên phải được tổ chức thực hiện đồng bộ mới mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể. Việc đẩy mạnh thực hành đạo đức “Nói đi đôi với làm” là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức đảng, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để giữ vững, phát huy và lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên thực tế, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
(2) Hồ Chí Minh: Sđd. (3) Hồ Chí Minh: Sđd. (4) Hồ Chí Minh: Sđd.
(5) Hồ Chí Minh: Sđd. (6) Hồ Chí Minh: Sđd. (7) Hồ Chí Minh: Sđd.
(8) Hồ Chí Minh: Sđd. (9) Hồ Chí Minh: Sđd. (10) Hồ Chí Minh: Sđd.
(11) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.331.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr.236.
(13) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.336.

GS, TS TRẦN VĂN PHÒNG (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Theo Nhân dân

Chia sẻ bài viết