Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung tỉnh Long An vào Vùng động lực phía Nam trong quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bổ sung quan điểm tổ chức không gian phát triển liên quan đến tài nguyên và khoáng sản: Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng Nghị quyết 39 ngày 15/1/2019 và Nghị quyết số 10 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả; việc chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết.
Do đó, trong thời gian tới, cần có giải pháp cụ thể để quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Từ đó, ông đề nghị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần nêu rõ: “Quản lý, khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế và xu hướng phát triển của thế giới”.
Bổ sung nội dung về đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường trong mục tiêu phát triển đến năm 2030: Theo đại biểu Tuấn Anh thì Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Để đạt được các mục tiêu này, cần phải có các chỉ tiêu định lượng về đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tổng thể Quốc gia làm căn cứ xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường đến năm 2030 gồm (1) Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), (2) Các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), tái sử dụng, tái chế chất thải, (3) Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI). Từ đó, đại biểu Tuấn Anh đề nghị cần thể chế hóa các chỉ tiêu nêu trên vào mục II.3b Điều 1 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung tỉnh Long An vào Vùng động lực phía Nam trong quy hoạch tổng thể quốc gia
Bổ sung các dự án về biến đổi khí hậu trong danh mục các dự án quan trọng của Quốc gia tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết: Đại biểu Tuấn Anh nêu: Theo kết quả giám sát về biến đổi khí hậu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, nhất là tại các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cấp thiết. Cử tri cũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường hiệu quả đầu tư các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là những dự án có tính liên vùng, đa mục tiêu, tránh dàn trải.
Tuy nhiên, trong danh mục các dự án quan trọng của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kèm theo dự thảo Nghị quyết, chưa đề cập đến các dự án quan trọng như: dự án phát triển rừng ven biển, rừng đầu nguồn; dự án đập ngăn mặn; xây dựng, nâng cấp, cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; các dự án phát triển kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường, nhất là các dự án hạ tầng thu gom, xử lý nước thải để thực hiện chỉ tiêu môi trường. Từ đó, đại biểu Tuấn Anh đề nghị Chính phủ bổ sung các dự án nêu trên vào Phụ lục danh mục các dự án quan trọng của quốc gia.
Xem xét bổ sung thêm địa phương vào Vùng động lực phía Nam: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Khoa học của Quốc hội - Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: Theo hồ sơ trình của Chính phủ, Vùng động lực phía Nam hiện bao gồm 4 tỉnh/thành phố là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Vùng động lực được xác định trên cơ sở lựa chọn một số địa phương liền kề trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm trước đây hội tụ các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, trình độ phát triển cao, giữ vai trò dẫn dắt, đầu tàu thúc đẩy, lan tỏa phát triển chung của cả nước.
Đối chiếu với những tiêu chí nêu trên, có thể thấy tỉnh Long An cơ bản đáp ứng đầy đủ các điều kiện để trở thành một tỉnh thuộc Vùng động lực phía Nam bởi những lý do sau đây:
Một là, tỉnh Long An là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giáp ranh và kết nối trực tiếp với cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Nam là TP.HCM qua hệ thống các Quốc lộ 1, 50, 62, N1, N2.
Hai là, tỉnh Long An ngày càng có nhiều điều kiện phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Vùng và cả nước. Cụ thể: tỉnh Long An được xem là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ về phát triển công nghiệp và đô thị từ TP.HCM, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,07%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2022, Long An có quy mô kinh tế lớn nhất Vùng đồng bằng sông Cửu Long, chiếm trên 13,6% toàn vùng. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt gần 22.000 tỉ đồng, trở thành tỉnh tự cân đối thu-chi, đóng góp tích cực cho ngân sách Trung ương. Bên cạnh đó, khi đường vành đai 3, 4 của TP.HCM hình thành, đi qua địa bàn tỉnh Long An sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh. Thông qua việc kết nối giữa TP.HCM và tỉnh Long An, kinh tế của nhiều tỉnh khác trong Vùng như Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long,… cũng sẽ phát triển trong thời gian tới qua đó góp phần tạo ra tác động lan tỏa Vùng động lực phía Nam.
Với những căn cứ nêu trên, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Long An cho rằng cử tri và nhân dân tỉnh Long An rất mong mỏi, đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung tỉnh Long An vào Vùng động lực phía Nam trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
Kiến Quốc