Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Giá lúa và gạo các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua đều có sự tăng mạnh.
Việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ làm dấy lên lo ngại về nguồn cung mặt hàng chủ lực này khiến giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam và Thái Lan tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ trong tuần qua.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên từ 550-575 USD/tấn vào ngày 27/7, mức cao nhất kể từ năm 2011, từ mức 515-525 USD/tấn một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Các nhà xuất khẩu dự đoán giá gạo sẽ tăng hơn nữa sau động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, do đó rất rủi ro nếu họ ký hợp đồng xuất khẩu mới lúc này.”
Cũng ngày 27/7 vừa qua, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong 11 năm, ở mức từ 605-610 USD/tấn so với mức giá 545 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết: "Các nhà xuất khẩu đã bị sốc vì lệnh cấm đẩy giá lên cao và cũng không có thêm nguồn cung."
Ấn Độ đã ra lệnh tạm dừng loại gạo có sản lượng xuất khẩu lớn nhất vào tuần trước để bình ổn giá gạo trong nước, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trong những tuần gần đây do thời tiết thất thường đe dọa sản xuất. Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo hàng đầu và chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo đã đẩy giá gạo của Ấn Độ lên cao nhất trong 5 năm rưỡi, ở mức từ 445-450 USD/tấn so với từ 421-428 USD/tấn vào tuần trước, ngay cả khi nhu cầu giảm. Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu sau khi giá gạo bán lẻ tăng 3%/tháng do mưa gió mùa kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.
Giám đốc điều hành Công ty xuất khẩu gạo Satyam Balajee Himanshu Agarwal, cho biết: "Nhu cầu giảm do sự không chắc chắn sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu thận trọng và không bán."
Một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực Ấn Độ cho biết nước láng giềng Bangladesh, vốn cũng đang phải vật lộn để hạ nhiệt giá lương thực tại thị trường trong nước, không có kế hoạch nhập khẩu ngũ cốc vì năng suất và dự trữ vẫn tốt.
Tại thị trường nội địa, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 6.950 đồng/kg, giá bình quân là 6.882 đồng/kg, tăng 186 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cũng tăng trung bình 225 đồng/kg, ở mức 8.258 đồng/kg; giá cao nhất là 8.450 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng khá mạnh. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 12.500 đồng/kg, giá bình quân 12.304 đồng/kg, tăng 754 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 12.300 đồng/kg, giá bình quân 12.050 đồng/kg, tăng 742 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 12.100 đồng/kg, giá bình quân 11.758 đồng/kg, tăng 692 đồng/kg. Đặc biệt, giá gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh nhất 963 đồng/kg, giá trung bình là 12.500 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lúa Hè Thu 2023 ở Nam Bộ đã gieo sạ được 1.556.660ha, vượt 0,6% so với kế hoạch. Đến ngày 20/7 vừa qua, các địa phương đã thu hoạch trên 564.500ha, chiếm 36,27% diện tích gieo trồng. Diện tích còn lại chủ yếu đang trong giai đoạn chín, trỗ và đòng.
Bên cạnh đó, các địa phương đã gieo sạ gần 287.900ha lúa Thu Đông, Mùa; tập trung ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa Vũng Tàu…
Giá càphê tiếp tục đảo chiều đi xuống. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Về thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/7 vừa qua, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều đi xuống. Giá càphê Robusta giao kỳ hạn giao tháng Chín tới giảm 85 USD, xuống 2.588 USD/tấn và loại có kỳ hạn giao tháng 11 giảm 62 USD, còn 2.437 USD/ tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York (Mỹ) tiếp tục sụt giảm. Loại càphê Arabica giao tháng Chín tới giảm thêm 3,55 xu Mỹ, xuống 157,90 xu/lb và loại có kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 3,50 xu, xuống còn 158,20 xu/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình (1 lb = 0,4535 kg).
Giá càphê hai sàn đồng loạt lao dốc phiên cuối tuần do sự cân đối, dịch chuyển dòng vốn của các quỹ và đầu cơ sau áp lực của lãi suất tiền tệ.
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên ở mức 3,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2000, do lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn cao dai dẳng./.
Bích Hồng-Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)