Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”. Ảnh: tcnn.vn
“Sửa đổi lối làm việc”, từ lý luận đến thực tiễn
Năm 1947, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó khẳng định sửa đổi lối làm việc là sự sửa đổi, đổi mới từ tư duy đến tổ chức thực hiện của cán bộ, đảng viên, của tổ chức Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội; do đó, sửa đổi lối làm việc mang ý nghĩa của một cuộc cách mạng trong xây dựng xã hội mới.
Bác khẳng định: “Phải sửa đổi lề lối làm việc cho thiết thực, để giải quyết công việc cho tốt, cho nhanh”. Tháng 3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo với tựa đề “Nhiều”, trong đó nhấn mạnh: “Phải chủ động tìm ra và kiên quyết sửa đổi những chỗ không hợp lý trong sản xuất, trong công tác”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu phải “dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân để tiến lên không ngừng, đạt năng suất ngày càng cao”.
Có thể thấy, điều quan trọng trong thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là muốn cải cách, đổi mới thành công phải vượt qua rất nhiều lực cản. Có những cái cũ, cái xấu đã lỗi thời nhưng vì đã quá quen, người ta vẫn cho là thường. Có những cái mới, cái tốt tiến bộ nhưng chưa quen người ta vẫn chống lại: “Cái tốt mà lạ người ta có thể cho là xấu, cái xấu mà quen người ta cho là thường”. Do đó, để cải cách, đổi mới phải vượt qua những cái cũ, những thói quen xấu, vượt qua những sức ỳ có sẵn ở những nếp cũ, thói quen cũ, kiên quyết đổi mới, hướng tới những cái mới, tiến bộ.
Thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà đã chứng minh rằng khi chúng ta có những chủ trương đột phá, đổi mới, mạnh dạn thay đổi về tư duy, sửa đổi lề lối, phương pháp làm việc đã làm nên những thành tựu to lớn, tạo nên lợi thế cho địa phương vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Đó là khi Long An mạnh dạn đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, khởi đầu từ Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc mua bán hàng hóa theo giá thỏa thuận trong phạm vi toàn tỉnh vào năm 1980. Chủ trương cải tiến phân phối lưu thông (giá - lương - tiền) của Đảng bộ tỉnh Long An là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tế, với quy luật kinh tế khách quan, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, tạo nên bước đột phá trong cải cách kinh tế của tỉnh, được Trung ương ghi nhận, nghiên cứu và nhân rộng trên phạm vi cả nước, đóng góp cơ sở thực tiễn hình thành đường lối Đổi mới của Đảng.
Đó là khi Long An chủ trương tiến quân khai phá tiềm năng của Đồng Tháp Mười, khai hoang và đưa vào sử dụng hơn 50.000 hecta đất trồng lúa, biến Đồng Tháp Mười từ một vùng hoang hóa, kém phát triển thành vùng lương thực trọng điểm của tỉnh và của cả nước.
Đó là khi Long An chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ tỉnh thuần nông với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang đẩy mạnh phát triển công nghiệp để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà; chú trọng vào đầu tư kết cấu hạ tầng như giao thông, cấp điện, cấp nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư… làm cho môi trường đầu tư vào tỉnh ngày càng tốt hơn, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; góp phần tạo nên nguồn lực cho Long An vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những thành viên năng động, tích cực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước.
Đổi mới tư duy, sửa đổi lối làm việc là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay
Thời gian tới, Long An đang đứng trước nhiều cơ hội, thuận lợi trong quá trình phát triển, song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để tỉnh nhà có bước phát triển đột phá, hơn bao giờ hết, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh phải có cách tiếp cận mới, mạnh dạn đổi mới tư duy, sửa đổi lề lối, tác phong, chuẩn mực đạo đức, năng lực làm việc để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trước hết, phải mạnh dạn đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong thực thi nhiệm vụ, lấy tư duy phục vụ thay cho tư duy quan liêu, bao cấp đã lỗi thời. Theo đó, phải nhất quán phương châm: (1) Xem người dân là đối tượng phải phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển; (2) Lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, cơ quan nhà nước thực sự là “bà đỡ” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; (3) Nguồn lực đầu tư từ ngân sách chỉ là vốn mồi để huy động, thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà đầu tư, đây được xem là nguồn lực chính trong quá trình phát triển.
Thứ hai, phải sửa đổi phương pháp, lề lối, tác phong làm việc để phù hợp với bối cảnh, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, nhất quán phương châm, nguyên tắc hành động “Dân chủ-kỷ cương-năng động-sáng tạo-vì mục đích chung”. Theo đó, “dân chủ” là đối với những vấn đề khó, mới phải bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng trên nguyên tắc tập trung dân chủ rồi mới triển khai thực hiện; giữ vững “kỷ cương” thông qua cơ chế kiểm tra, giám sát trong thi hành công vụ, cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng gắn với giao thẩm quyền cho người đứng đầu các cơ quan kiểm tra, giám sát xử lý các hành vi vi phạm; phát huy tinh thần “năng động-sáng tạo” bằng việc khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chủ động, tích cực tìm tòi những cách thức mới, sáng tạo để tập trung giải quyết cho bằng được những vấn đề khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra; tất cả cùng hướng đến mục đích chung là sự phát triển của tỉnh nhà, vì lợi ích của nhân dân, không vì động cơ cá nhân, lợi ích riêng tư, lợi ích nhóm.
Thứ ba, đối với những vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp, có tính chất quan trọng, đòi hỏi phải có sự tham gia, vào cuộc trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân; cùng với đó, tập thể thường trực, ban thường vụ cấp ủy phải đồng lòng, cùng nhau tập trung giải quyết với quyết tâm chính trị cao nhất, nỗ lực lớn nhất và thực hiện quyết liệt nhất.
Thứ tư, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phải linh hoạt, sáng tạo, có sự phối hợp, lồng ghép khi thực hiện các khâu, công đoạn của quy trình, những việc gì có thể triển khai thực hiện đồng thời thì chủ động làm ngay, không theo trình tự để tăng hiệu quả, giảm thời gian, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan với nhau.
Thứ năm, lấy hiệu quả, kết quả công việc làm thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, làm cơ sở cho đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Có cơ chế để khen thưởng xứng đáng, kịp thời những tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm khắc với những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Có thể khẳng định, từ khi ra đời đến nay, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, của tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới tư duy, sửa đổi lối làm việc vẫn còn nguyên giá trị. Bài học đó càng được minh chứng, khẳng định thêm bằng những kinh nghiệm quý báu hình thành từ thực tiễn xây dựng và phát triển tỉnh nhà qua gần 35 năm đổi mới. Chúng ta tin tưởng rằng, khởi đầu nhiệm kỳ mới, với việc nhận định đúng tình hình, dự báo chính xác thời cơ và thách thức, đề ra các quyết sách chính trị phù hợp thực tiễn và lòng dân, cùng với quyết tâm, mạnh dạn đổi mới tư duy, sửa đổi lề lối, tác phong, chuẩn mực đạo đức, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, nhất định sẽ tạo nên khí thế mới, niềm tin mới để toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cùng nhau gặt hái được những thành tựu to lớn hơn, vững chắc hơn, đưa Long An phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra./.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được