Truyện Kiều đã được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp,... với hơn 35 bản dịch (Ảnh: Internet)
Tư tưởng vượt thời đại của Truyện Kiều
Bản ghi chép sớm nhất về nàng Vương Thúy Kiều là sách Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt của Mao Khôn đời Minh (Trung Quốc). Bản này chép: “Vương Thúy Kiều là kỹ nữ Lâm Tri, đầu tiên là Kiều Nhi, giỏi hát lối mới, thạo hồ cầm. Sau tìm cách trốn khỏi nhà xướng ca, đổi tên ở bên bờ biển. Nụy khấu đánh Giang Nam, bắt Thúy Kiều mang đi rồi trở thành áp trại phu nhân của Từ Hải. Từ Hải rất yêu quý nàng, mọi kế hoạch đều nghe theo nàng. Quan quân phái người đến chiêu hàng, Kiều đem nhiều việc đến khuyên, Hải mới quyết tâm hàng. Quan quân bố trí kế hoạch, Từ Hải thua chết, Thúy Kiều cũng bị quan quân cướp. Sau khi bị Đốc phủ làm ô nhục, Kiều bị gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận làm thiếp. Trên đường qua sông Tiền Đường, Thúy Kiều than: Minh Sơn hậu đãi ta, ta vì việc nước dụ chàng mà bị hại. Giết một người chồng rồi lại lấy một người chồng, còn mặt mũi nào sống nữa! Bèn nhảy xuống sông mà chết”. Sự kiện này diễn ra vào năm Gia Tĩnh thứ 35, năm 1556, đời Minh Thế Tông. Các nhân vật như Vương Thúy Kiều, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến đều có thật trong lịch sử.
Từ câu chuyện có thật của lịch sử như trên, Thanh Tâm Tài Nhân - người Chiết Giang thời nhà Minh (Trung Quốc) đã viết thành Kim Vân Kiều truyện. Đại thi hào Nguyễn Du nhân vua nhà Nguyễn nước ta sai đi sứ sang Trung Quốc thời nhà Thanh đã đọc được Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và xúc động mà viết nên Truyện Kiều.
“Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh” là hai câu thơ được rút ra trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Theo đó, Đại thi hào Nguyễn Du đã cho rằng sách Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là một cuốn sách hay (cảo thơm) và là một cuốn sách do người xưa viết (cổ lục).
Từ cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Đại thi hào Nguyễn Du đã viết nên một truyện thơ mới mang tư tưởng nhân văn sâu sắc về người phụ nữ. Những tư tưởng coi khinh người phụ nữ như xem phụ nữ như món hàng để mua bán, xem trọng trinh tiết,... đã bị ông lên án trong Truyện Kiều. Đặc biệt, chữ “trinh” của Kiều trong tâm thức ông chính là “lấy hiếu làm trinh”.
Điều này hoàn toàn khác với xã hội phong kiến Trung Hoa tồn tại hàng ngàn năm với những quan niệm bất công, khắt khe như “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà nghe theo cha, lấy chồng nghe theo chồng, chồng chết nghe theo con trai) và quan niệm trọng nam, khinh nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai thì là có nhưng mười con gái vẫn là không có) đã dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho người đàn ông và đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như xã hội.
Thậm chí, phụ nữ nhà Thanh bên Trung Quốc còn bị bó chân. Mục đích thật sự của tục này là để kìm hãm người phụ nữ, khiến họ phụ thuộc và phục tùng hoàn toàn vào đàn ông. Vào thế kỷ XIX, ước tính có tới 50% phụ nữ Trung Quốc bó chân và tỷ lệ bó chân ở phụ nữ quý tộc là 100%.
Trong khi đó, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Văn hóa, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nhận định: “Nhân dân ta vốn có truyền thống tôn trọng phụ nữ”.
Chính vì như vậy, Truyện Kiều là thái độ của dân tộc ta trước lễ giáo và quan niệm xã hội cổ hủ của phong kiến Trung Hoa. Truyện Kiều chính là “tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột” (Đoạn trường tân thanh) của Đại thi hào Nguyễn Du về thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến Trung Hoa.
Cảm xúc khi đọc Truyện Kiều
Vào năm Canh Thìn 1820, trong lời tựa viết cho Truyện Kiều, Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển (1795-1880) đã nhận xét: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.
Nhiều tài liệu viết rằng, sau khi Đại thi hào Nguyễn Du viết xong Truyện Kiều, những bạn hữu của ông đọc rồi đem khắc bản gỗ và bán tại các cửa hàng sách. Đào Nguyên Phổ (1861-1908), một vị quan nhà Nguyễn, ghi lại rằng: “Truyện giai nhân diễn thành giai tác, lại đượm hương trời càng là thêm vẻ, nên chi người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, tranh nhau sao chép đến nỗi giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô”.
Dân gian đã ví von: “Mê gì? Mê đánh tổ tôm. Mê ngựa hộ bổn, mê nôm Thúy Kiều”. Và vua Tự Đức (1829-1883) rất mê Truyện Kiều, từng nhận xét tác phẩm này là “hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu”.
Đồng cảm với Đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) viết trong bài thơ Bài ca mùa xuân 1961 rằng: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình/ Nổi chìm kiếp sống lênh đênh/ Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”. Trong bài thơ Đọc Kiều, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Cảo thơm đặt trước đèn, tôi giở/ Mỗi trang Kiều rung một bóng trăng thanh”.
Năm 1965, tức 200 năm sau khi Đại thi hào Nguyễn Du được sinh ra, trong bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng, nhà thơ Chế Lan Viên đã bật lên xúc cảm: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử có viết: “Từ khi ra đời đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của đời sống tâm hồn dân tộc Việt Nam nói chung và đời sống văn hóa nói riêng”.
Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới cũng đã đánh giá Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du gồm 3.254 câu thơ lục bát là một kiệt tác văn học. Tác phẩm này đã chinh phục người đọc trong hơn 200 năm qua. Truyện Kiều đã được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp,... với hơn 35 bản dịch.
Hơn 200 năm qua, Truyện Kiều vẫn mới bởi những tư tưởng tiến bộ của Đại thi hào Nguyễn Du. Tuyệt tác ấy đã chinh phục biết bao thế hệ độc giả suốt hơn 2 thế kỷ./.
Nguyễn Văn Toàn