Tiếng Việt | English

12/03/2019 - 15:45

Họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc các trường lựa chọn dạy bộ sách giáo khoa nào sau khi tham khảo ý kiến học sinh, phụ huynh… là quá phức tạp.

Phụ huynh mua sách giáo khoa tại cửa hàng của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, sáng 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa. Một số đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bảo đảm tính khả thi.

Có ý kiến đề nghị chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất, xây dựng một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước; làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; quy định cụ thể việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu rõ đối với quy định mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dự thảo Luật đã sắp xếp, bổ sung các quy định cụ thể về các yêu cầu cơ bản của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, phát hành sách giáo khoa. Các nội dung chi tiết, trình tự, thủ tục sẽ được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính cân đối trong bố cục của Luật và phù hợp với thực tiễn (Điều 31).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Dự thảo Luật quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục; việc ban hành quy định về chọn sách giáo khoa (Điều 31); bổ sung quy định về thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông trước khi ban hành (khoản 1 Điều 31).

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc thí điểm đó sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 104) đồng thời, dự thảo Luật quy định: Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa (Khoản 3 Điều 31).

Băn khoăn về vấn đề sách giáo khoa, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, việc sách giáo khoa không sử dụng được nhiều lần, có nhiều loại sách tham khảo bắt buộc đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Điều 31 dự thảo Luật quy định: Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phân tích, Nghị quyết 29 đã nêu định hướng “biên soạn thêm sách giáo khoa hỗ trợ việc học và phải phù hợp với từng đối tượng người học.”

Theo ông Chiến, định hướng đó không có nghĩa bậc học nào (từ mầm non tới tiểu học, trung học) cũng cần biên soạn nhiều bộ sách cho một môn học. Còn Nghị quyết 88 của Quốc hội thì nêu rõ “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thống nhất”. Ông Chiến đề nghị, dự thảo Luật cần quán triệt đầy đủ tinh thần của 2 Nghị quyết này cũng như đòi hỏi của dư luận xã hội là làm một bộ sách giáo khoa thống nhất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bám sát tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần nghiên cứu phù hợp với thực tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc các trường lựa chọn dạy bộ sách giáo khoa nào sau khi tham khảo ý kiến học sinh, phụ huynh… là quá phức tạp. Bên cạnh đó, làm nhiều bộ sách sẽ xảy ra tình trạng các đơn vị biên soạn “chạy” để bộ sách của mình được sử dụng, gây ra tình trạng lãng phí.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ có một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước. Các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới theo hướng xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, nhưng về chất lượng thì Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn phải chịu trách nhiệm. Việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường, cha mẹ học sinh là để đảm bảo tính tự chủ, linh hoạt trong giảng dạy, đặc biệt là để phù hợp với hoàn cảnh thực tế từng địa phương, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của mỗi vùng, miền và cộng đồng dân cư.

Giải trình về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dù ai biên soạn sách giáo khoa thì vẫn có Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung. Vì vậy, sau khi được thẩm định, các sách giáo khoa đưa vào lưu hành đều là sách giáo khoa chuẩn quốc gia./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết