Tiếng Việt | English

16/07/2015 - 09:49

Hướng đi nào vững chắc cho nông sản?

Ngày 15-7-2015, kỳ họp lần thứ 13, HĐND tỉnh Long An khóa VIII bước sang ngày làm việc thứ 2, các ĐB HĐND tiếp tục thảo luận tại 4 tổ. Hầu hết các ĐB đồng tình với báo cáo tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2015 của tỉnh; đồng thời, nêu lên nhiều vấn đề còn vướng mắc trong xã hội cần được các ngành chức năng sớm quan tâm, giải quyết.


Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đang gặp khó về tiêu chí giao thông

Tìm đầu ra cho nông sản

Đây là một trong những vấn đề được nhiều ĐB đặc biệt quan tâm. Nhiều ĐB cho rằng, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa “4 nhà” hiện nay chưa chặt chẽ, gây khó cho đầu ra nông sản, ảnh hưởng đến giá cả.

Hiện nay, không chỉ có cây đậu phộng, mía mà cây bắp, thanh long cũng thường rơi vào “điệp khúc” được mùa - rớt giá. Gần đây, mặc dù Cty Ecofarm ký hợp đồng thu mua bắp với nông dân nhưng đến khi thu hoạch thì ngừng thu mua, gây tâm lý hoang mang cho người trồng.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Long An - Đào Văn Nghiệp cho rằng, để bảo đảm sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, đòi hỏi phải đầu tư căn cơ, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, thị trường tiêu thụ nông sản phải được quan tâm, điển hình như cây thanh long. Việc trồng, sản xuất và tiêu thụ thanh long hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa có giải pháp bảo quản, chế biến để tăng giá trị tăng thêm, tránh khó khăn trong tiêu thụ cũng như đầu ra sản phẩm.

Nhiều ĐB cho rằng, cần quan tâm đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đòi hỏi phải có sự liên kết với doanh nghiệp. Nếu để nông dân tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ không bền vững.

ĐB cũng đề xuất tính cạnh tranh trong sản phẩm nên được đặt lên hàng đầu. Các ngành chức năng liên quan cần giúp địa phương phát huy được thế mạnh, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trước hết, cần phải quan tâm đến giống, kỹ thuật nuôi trồng, chế biến, bảo quản, tăng nguồn chi phí cho khoa học-công nghệ. Kế đến là phải dạy những nghề thiết thực để người dân có thể áp dụng vào sản xuất.

Vùng hạ “khát” nước

Vấn đề không mới nhưng cũng được các ĐB dành nhiều thời gian thảo luận về nước hợp vệ sinh cho người dân vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc.

ĐB Võ Văn Ba cho biết, có tham gia tiếp xúc cử tri ở khu vực vùng hạ mới thấy được sự mòn mỏi chờ đợi có được nguồn nước hợp vệ sinh để sinh hoạt của người dân nơi đây. Do chưa được đầu tư đài nước nên họ phải xách nước dưới kênh, rạch lên lắng phèn để dùng trong sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng nguồn nước dần bị ô nhiễm. Đặc biệt là mùa khô, người dân phải đổi nước với giá cao, có lúc lên đến 150.000 đồng/m3.

Nhiều ĐB nhận định, dự án giải quyết nước hợp vệ sinh vùng hạ là bắt buộc phải đầu tư, đó là vấn đề bức xúc đã qua nhiều kỳ họp nhưng chưa giải quyết được. UBND tỉnh cần sớm triển khai các dự án cấp nước, giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân.

Theo các ĐB, hướng tháo gỡ cho vấn đề nước hợp vệ sinh có thể dùng nguồn kinh phí vượt thu xổ số kiến thiết đầu tư cho nước vùng hạ, dùng túi polymer lót ao, hồ, giúp người dân trữ nước mùa mưa, giảm nợ thuế để có nguồn đầu tư nước cho vùng hạ,... Mặc dù hiện nay, có 2 đơn vị nhận đầu tư cung cấp nước cho vùng hạ nhưng theo nhận định của ĐB, kế hoạch đến cuối 2015 - đầu 2016 không khả thi. ĐB đề nghị phải giải quyết gấp rút, có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề nước cho vùng hạ, ít nhất phải có lộ trình thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2015.

Nâng chất xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đến nay, toàn tỉnh có 28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng, không nên chạy theo thành tích mà “đẻ non” các xã NTM, bởi trong số các xã đã đạt, có tiêu chí đạt điểm còn thấp, thiếu bền vững. Đặc biệt, nhiều xã đã được công nhận NTM nhưng đường sá đi lại còn rất khó khăn; rác thải sinh hoạt vứt tràn lan; vấn đề an ninh, trật tự xã hội vẫn còn xảy ra,...

ĐB Trương Văn Nam đề xuất, tỉnh cần tiếp tục cấp vốn cho các xã chưa đạt chuẩn để xây dựng NTM, bởi có nhiều tiêu chí không thể huy động sức dân. Các tiêu chí mà các xã gặp khó trong xây dựng là giao thông nông thôn, y tế, các thiết chế văn hóa,...

Bên cạnh đó, các ĐB cho rằng, trong xây dựng NTM ở khu vực Đồng Tháp Mười, tiêu chí xây dựng chợ là chưa hợp lý bởi đặc thù địa phương; hiện nay, ở vùng sông nước, buôn bán hàng hóa qua nhiều hình thức như bán trên xuồng, ghe,...


Người dân vùng hạ Cần Giuộc thiếu nước sinh hoạt

Du lịch phát triển chưa tương xứng

Long An hiện có nhiều ưu thế phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay, du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nhiều khu du lịch được đầu tư rất nhiều tiền như: Làng nổi Tân Lập, Khu đất ngập nước Láng Sen, Khu Di tích lịch sử cách mạng tỉnh,... nhưng vẫn vắng lặng, đìu hiu.

Nhiều ĐB kiến nghị, tỉnh nên khắc phục ngay sự lãng phí đầu tư “nửa vời” rồi bỏ hoang, mặc cho cỏ mọc thành rừng như Làng nổi Tân Lập hiện nay. Bên cạnh đó, công viên Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” cần có chiến lược quảng bá, nhằm thu thu hút hơn nữa lượng khách đến tham quan.

Các ĐB cho rằng, để phát triển du lịch trong tỉnh, cần quan tâm, xem xét kết nối với doanh nghiệp đầu tư theo hướng xã hội hóa, nhất là những khu du lịch sinh thái tiềm năng trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Theo ĐB Bùi Quốc Bảo, để du lịch trong tỉnh phát triển, bên cạnh đầu tư các điểm khu tham quan còn phải quan tâm đến phát triển các dịch vụ kèm theo như: Trò chơi giải trí, các sản phẩm quà tặng đặc trưng của quê hương, đặc sản ẩm thực mang đậm màu sắc của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long,...

Ngoài ra, các ĐB còn quan tâm đến công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS để giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt mà không giải quyết được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Về bảo hiểm y tế toàn dân, có ĐB cho rằng, nên bỏ mua bảo hiểm hộ gia đình vì các hộ còn nghèo sẽ ngần ngại, dẫn đến giảm tỷ lệ mua bảo hiểm.

Đối với tình hình tội phạm, các ĐB cho rằng, tình hình tội phạm hiện nay gia tăng, đặc biệt tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, do đó tỉnh, ngành, địa phương cần có biện pháp phòng, chống, đồng thời, cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức thanh thiếu niên,..../.

M.Hương-H.Bằng-Phương-Thạch

Chia sẻ bài viết