Tiếng Việt | English

07/08/2018 - 17:39

Khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách

Thủ tướng khẳng định công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của một đất nước bị chiến tranh nhiều năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 07/8, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) đã họp phiên đầu tiên kể từ khi chính thức ra mắt vào tháng 4/2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 701 chủ trì phiên họp. Phiên họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo.

Biểu dương những nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo 701, Thủ tướng khẳng định công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả, được thực hiện xuyên suốt. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, tổ chức thực hiện các văn bản, chương trình, kế hoạch hoạt động; tổ chức xử lý bom mìn, chất độc hóa học; thúc đẩy công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế, vận động tài trợ, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; tăng cường giải quyết chính sách, hỗ trợ nạn nhân. 

Ban Chỉ đạo đã kiện toàn tổ chức, phối hợp với bộ, ngành liên quan thành lập Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, xây dựng Quy chế hoạt động, tổ chức thành lập Văn phòng 701 nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành quy chế, quy định và các văn bản liên quan đến hoạt động của Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam...

Thủ tướng nhấn mạnh đây là những thể chế quan trọng nhằm góp phần triển khai công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học một cách dài hơi, hiệu quả hơn, đồng thời chỉ ra một số tồn tại cần lưu ý như công tác rà phá, xử lý bom mìn, chất độc hóa học đạt kết quả còn thấp so với quy mô, yêu cầu thực hiện; chưa làm chủ được công nghệ xử lý chất độc hóa học và dioxin. Việc giải quyết chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân còn nhiều bất cập cần chấn chỉnh. Quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương chưa phát huy hết trách nhiệm. 

Khẳng định công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của một đất nước bị chiến tranh nhiều năm, Thủ tướng cho rằng: “Việc quan trọng của Ban Chỉ đạo là phải phát hiện các bất cập, tồn tại, hạn chế để khắc phục và làm tốt hơn trong thời gian đến. Đây là yêu cầu lớn đối với các thành viên Ban Chỉ đạo,” góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước, tiến tới hạn chế tối đa mức độ phơi nhiễm dioxin. 

Thống nhất với các ý kiến cho rằng cần xây dựng bản đồ ô nhiễm dioxin và bom mìn tại Việt Nam, Thủ tướng chỉ đạo cần làm rõ lộ trình của công tác này. Đồng thời, Ban Chỉ đạo 701 cần nghiên cứu, rà soát, xem xét sửa đổi các chủ trương, chính sách chi trả chế độ cho người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin và con đẻ của họ; tăng cường chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp, quản lý sức khỏe đối với nạn nhân chất độc hóa học, bom mìn và người dân sinh sống gần những điểm nóng về phơi nhiễm chất độc hóa học sau chiến tranh. 

“Mục tiêu của chúng ta là không ngừng chăm lo cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bom mìn, chất độc hóa học ngày càng tốt hơn, mà chúng ta rất chú ý đến thế hệ thứ 3 ở những vùng này,” Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị thực hiện tốt việc hỗ trợ cho các nạn nhân theo hướng bảo đảm chính xác, đúng đối tượng. Đối với những khu vực đông nạn nhân, cần tập trung thực hiện trước ở vùng trọng điểm. Bên cạnh đó, các cơ quan, bộ, ngành liên quan cần phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hợp tác các tổ chức trong nước và quốc tế để huy động nguồn lực khắc phục hậu quả chất độc hóa học, bom mìn, vật liệu nổ. 

Về lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, Thủ tướng cho rằng việc triển khai đầu tư dự án hợp tác Việt Nam-Hungary khắc phục hậu quả bom mìn tại năm tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Trị, từ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước và vốn ODA của Hungary là cần thiết. Đối với lĩnh vực truyền thông, Thủ tướng chỉ đạo cần làm rõ nguồn và mức kinh phí đối với từng dự án, cũng như xác định cụ thể mục tiêu tuyên truyền, đảm bảo tính chặt chẽ, thuyết phục. 

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đại biểu dự cuộc họp, Thủ tướng đề nghị Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, đặc biệt là những nội dung về chính sách xã hội, y tế cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, vấn đề hợp tác quốc tế, kỹ thuật, môi trường và những dự án, chương trình do các bộ, ngành liên quan phối hợp thực hiện. 

Năm 2017, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 701, xây dựng Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo 701 năm 2018, phương hướng đến năm 2020; tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa nội dung hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam trong tuyên bố chung giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Israel... nhằm tăng cường hợp tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác này.

Ban Chỉ đạo 701 đã tổ chức thực hiện dự án điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 1. Kết quả đã xác định được 9.116 trong tổng số 11.134 xã, phường, thị trấn ở nước ta bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, chiếm tỷ lệ 81,87%; trong đó có 19 tỉnh có tất cả số xã, phường, thị trấn đều bị ô nhiễm như Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Trị... Tổng số diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh là hơn 6,1 triệu ha. Việc rà phá bom mìn hiện thực hiện được khoảng 30.000-50.000 ha/năm trong khuôn khổ các dự án. 

Về xử lý chất độc hóa học, Bộ Quốc phòng đã tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức thực hiện dự án xử lý chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Đến nay, dự án đã cơ bản được hoàn thành, 160.000m2 đất được xử lý bảo đảm an toàn, hiệu quả, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Công tác giải quyết chính sách, hỗ trợ nạn nhân; công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế, vận động tài trợ, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được quan tâm thực hiện.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án “Điều tra giải mã các đơn vị lực lượng vũ trang hoạt động trong các vùng bị quân đội Mỹ phun rải dioxin tại Việt Nam.”

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ thí điểm mô hình trợ giúp sinh kế nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng tại một số địa phương.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết