Tiếng Việt | English

19/04/2024 - 16:48

Ký ức hào hùng của những chiến sĩ Quân Dân y Chiến khu Đ

Trải qua 2 cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng, những chiến sĩ Quân Dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam Bộ luôn ra sức chiến đấu, rèn luyện chuyên môn để trở thành những cánh chim đầu đàn trên lĩnh vực y tế. Nhiều chiến sĩ Quân Dân y sau này trở thành cán bộ lãnh đạo của ngành Y tế trong khu vực, là nòng cốt của Ban Liên lạc Quân Dân y Chiến khu Đ hôm nay.

Vài nét lịch sử về Quân Dân y Chiến khu Đ

Chiến khu Đ là căn cứ của cơ quan chỉ đạo kháng chiến miền Nam, được thành lập vào tháng 02/1946, gồm 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (nay thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta ngày càng mở rộng quy mô, Chiến khu Đ được mở rộng lên những vùng rừng núi hiểm trở, từ biên giới Việt Nam - Campuchia đến sát gần TP.Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một.

Là vùng “rừng thiêng, nước độc”, Chiến khu Đ một thời được mệnh danh là “vùng đất chết”, nhất là các vùng phía Bắc ăn sâu vào biên giới. Do điều kiện sống kham khổ, thời tiết khắc nghiệt, thuốc men lại thiếu nên dịch bệnh có cơ hội lan truyền, nhất là bệnh sốt rét. Khó khăn là vậy nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, cán bộ, chiến sĩ Chiến khu Đ mưu trí, sáng tạo bằng nhiều cách để khắc phục và đẩy lùi bệnh tật. Công tác phòng bệnh, chữa bệnh được đặt song hành với nhiệm vụ bảo đảm hậu cần của chiến khu.

Những ngày đầu của cuộc kháng chiến, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ có 7 quân y viện khu vực. Dù thiếu cả thuốc men, trang bị kỹ thuật và nhân sự nhưng ngoài việc cứu chữa thương bệnh binh, các quân y viện còn mở nhiều lớp đào tạo y tá, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn và quân sự. Nhiều y tá sau này trở thành cán bộ lãnh đạo của ngành Y tế trong khu vực, là nòng cốt của Ban Liên lạc Quân Dân y Chiến khu Đ hôm nay.

Đến nay, Ban Liên lạc Quân Dân y Chiến khu Đ tổ chức được 31 lần họp mặt, có 3 năm gián đoạn (2020-2022) do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Từ nguyện vọng của các thế hệ Quân Dân y Chiến khu Đ, năm 1989, Ban Liên lạc Quân Dân y Chiến khu Đ được thành lập. Ban Liên lạc gồm các thầy thuốc tâm huyết từng tham gia khám, chữa bệnh trên vùng Chiến khu Đ - miền Đông Nam Bộ trong các cuộc kháng chiến. Đến nay, Ban Liên lạc tổ chức được 31 lần họp mặt, có 3 năm gián đoạn (2020-2022) do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Năm nay, Ban Liên lạc tổ chức họp mặt lần thứ 32 tại tỉnh Long An, là đầu mối liên lạc giữa các đồng chí cán bộ lão thành và thực hiện các hoạt động nghĩa tình. Đây là dịp để các thế hệ y, bác sĩ gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, cùng nhau ôn lại kỷ niệm truyền thống tốt đẹp của những người thầy thuốc kháng chiến; thăm viếng, chia sẻ những khó khăn với các đồng đội, đồng nghiệp khi bệnh tật hay hữu sự;...

Tự hào những chiến sĩ Quân Dân y

Dù đã 90 tuổi đời nhưng nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An - Trung tá, Thầy thuốc Ưu tú Trần Tấn Tài vẫn nhớ như in những ký ức hào hùng xông pha lửa đạn để giành giật sự sống của đồng chí, đồng đội. Chia sẻ với chúng tôi về quá trình tham gia kháng chiến, ông Trần Tấn Tài cho biết: “Tôi tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 02/1950, khi ấy chỉ mới 16 tuổi.

Đến năm 1954, tôi cùng đồng đội tập kết ra miền Bắc. Tháng 9/1963, tôi vượt Trường Sơn về miền Nam chống Mỹ, cứu nước cùng tiểu đoàn đặc công. Thời điểm đó, tôi là quân y sĩ ngoại khoa”.

Nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An -  Trung tá, Thầy thuốc Ưu tú Trần Tấn Tài vẫn nhớ như in những ký ức hào hùng ở Chiến khu Đ

Một trong những kỷ niệm khó quên của ông Trần Tấn Tài là mùa khô năm 1967, giặc Mỹ càn quét Tiểu đoàn Trinh sát 46 - đơn vị ông đóng quân. Lúc bấy giờ, trạm xá quân y chỉ có ông và một số y tá. Dù nguy hiểm cận kề nhưng ông vẫn bình tĩnh, động viên đồng đội cố gắng quan sát, hành động kịp thời để tránh hao vũ khí, bảo toàn lực lượng. Sau trận càn quét của địch, ông cùng đồng đội tiếp tục khắc phục khó khăn do thiếu thốn về cơ sở vật chất, thuốc men để vừa cấp cứu chấn thương cho bộ đội ở chiến trường, ở hậu phương thì chữa bệnh sốt rét - bệnh gây mất quân số nhiều nhất khi đó.

Năm 1969, ông Trần Tấn Tài tiếp tục học bác sĩ ngoại khoa dã chiến để phục vụ kháng chiến. Sau khóa học, ông trở lại công tác tại Tiểu đoàn Trinh sát 46 cho đến năm 1975. Sau khi hòa bình lập lại, ông đảm nhận vai trò Phó Trưởng ban Quân Y - Bộ Tham mưu Quân khu 7. Ông cũng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam cho đến tháng 3/1983 về làm Phó Giám đốc Sở Y tế Long An. Tháng 3/1987, ông làm Giám đốc Sở Y tế cho đến khi nghỉ hưu.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Long An - Nguyễn Thị Thu Hà là nữ dược sĩ có nhiều đóng góp tích cực của Đội phẫu thuật tiền phương đóng tại huyện Tân Trụ

Chia tay ông Trần Tấn Tài, chúng tôi đến thăm nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Long An - Nguyễn Thị Thu Hà. Bà là nữ dược sĩ có nhiều đóng góp tích cực của Đội phẫu thuật tiền phương đóng tại huyện Tân Trụ. Đội phẫu thuật tiền phương này phục vụ chiến trường Nhà Bè và vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà kể: “Năm 1960, tôi bắt đầu tham gia kháng chiến. Đến năm 1967 thì học dược tá và về công tác tại Đội phẫu thuật tiền phương. Chiến trường khi đó rất ác liệt, chúng tôi phải làm việc liên tục để phục vụ cho 9 cánh quân y, mỗi cánh có khoảng 35 bệnh nhân/ngày.

Khó khăn nhất khi đó là thiếu thuốc, thiếu dịch truyền. Có thời điểm, tôi cùng đồng đội nữ phải trèo cây, hái trái dừa tươi, sau đó lấy nước dừa này đi tiệt trùng rồi truyền cho bệnh nhân thay thế dịch truyền glucose”.

Không chỉ làm công tác pha chế thuốc, bà còn tham gia chăm sóc bệnh nhân, tải thương, giao liên. “Công tác tải thương khi đó rất khó khăn. Sau khi cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân, chúng tôi phải làm cầu phao bằng sức người hoặc bập dừa, để bệnh nhân nằm lên trên rồi đưa về Đức Huệ” - bà Nguyễn Thị Thu Hà nhớ lại. Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng bà chưa bao giờ lùi bước.

Hiện đa số các chiến sĩ Quân Dân y Chiến khu Đ đều tuổi cao, sức yếu nhưng rất mong được gặp mặt đồng chí, đồng đội đã từng cùng nhau chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong 2 cuộc kháng chiến. Với họ, những buổi họp mặt Ban Liên lạc là niềm tự hào của người chiến sĩ áo trắng một thời hiên ngang, oanh liệt và cũng là dịp để ôn lại những năm tháng gian khó, tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống./.

Những năm qua, Ban Liên lạc Quân Dân y Chiến khu Đ luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về vật chất và tinh thần của Tỉnh ủy, UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp trong vùng. Với nguồn lực được tài trợ, Ban Liên lạc thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên và các buổi họp mặt truyền thống.

Cụ thể, cuối tháng 12/2019, Ban Liên lạc Quân Dân y Chiến khu Đ tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 160 người và tặng 10 phần quà cho cán bộ Quân Dân y tại tỉnh Tây Ninh với tổng số tiền hơn 46 triệu đồng. Năm 2023, Ban Liên lạc tổ chức chuyến thăm 13 đồng chí cách mạng lão thành tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương với số tiền hơn 22 triệu đồng. Đầu năm 2024, Ban Liên lạc tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 210 người và tặng 10 phần quà cho cán bộ Quân Dân y tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với tổng số tiền hơn 63 triệu đồng; thăm 8 đồng chí cách mạng lão thành tại tỉnh Long An với số tiền hơn 10 triệu đồng.

Từ năm 2020 đến năm 2023, Ban Liên lạc tổ chức thăm viếng, chia sẻ khó khăn với các đồng đội, đồng nghiệp khi bệnh tật, hữu sự với số tiền 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ban Liên lạc còn sưu tầm, tập hợp tư liệu, hình ảnh thực hiện đặc san “Lịch sử truyền thống Quân Dân y Chiến khu Đ”, sẽ hoàn thành trước ngày họp mặt truyền thống năm 2025.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết