Hàng năm, vào dịp Tết Cổ truyền, người trong làng lại tổ chức Hội thi nấu xôi
Với người Hà Nội, xôi làng Gạ (Kẻ Gạ, tức làng Phú Gia nằm bên bờ Nam sông Hồng, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) từ lâu đã là một trong những món ngon mang đậm nét phố cổ.
1. Trời còn chưa tỏ mặt người, phụ nữ ở phường Phú Thượng đã luôn tay với công đoạn đồ xôi để kịp dọn hàng cho phiên chợ sáng. Từ 5 giờ sáng, các hàng xôi ở đây đã bắt đầu đón những vị khách đầu tiên. Thực đơn ở mỗi hàng đều phong phú với từ 5-8 loại xôi khác nhau, tỏa mùi thơm hấp dẫn. Mọi người ngồi lại, thưởng thức gói xôi còn nóng ấm gói trong lá sen, lá dong hoặc đứng chờ mua về cho gia đình dùng bữa sáng. Hạt xôi căng mọng, dẻo thơm với những bí quyết riêng của làng nghề khiến những gói xôi của làng Gạ trở thành “đặc sản”.
Làng đã được thành phố công nhận “Làng nghề truyền thống” năm 2016. Hàng năm, vào dịp Tết Cổ truyền, người trong làng lại tổ chức Hội thi nấu xôi để tỏ lòng thành kính với Thành Hoàng Làng cũng như các truyền nhân đi trước đã xây dựng thương hiệu xôi nức tiếng Hà Nội. Dịp này, mỗi cụm dân cư ở phường Phú Thượng sẽ cử ra những người nấu xôi giỏi nhất tham dự cuộc thi để tìm đôi tay vàng trong làng nghề.
Theo những người nấu xôi có nghề ở làng, để xôi ngon, quan trọng là nguyên liệu làm xôi phải chuẩn. Gạo nếp phải là nếp cái hoa vàng, chọn kỹ; các loại đậu cũng là loại ngon. Nguyên liệu đạt chuẩn chỉ là điều kiện cần, giai đoạn xử lý nguyên liệu và chế biến cũng quan trọng không kém và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Mỗi mẻ xôi phải trải qua các công đoạn: Đãi, ngâm, vo, đồ xôi bằng xửng hấp,... Người thế hệ sau vẫn giữ được danh thơm xứ sở không chỉ vì bí quyết gia truyền của cha ông mà còn nhờ vào sự sáng tạo cũng như vận dụng nhiều phương cách tiếp thị mới.
Bà Nguyễn Thị Thảo, năm nay 51 tuổi nhưng đã có hơn 30 năm làm nghề nấu xôi. Là một trong những nghệ nhân có tiếng ở làng xôi, bà Thảo đã quen với việc thức dậy từ 4 giờ sáng để bắt tay vào công đoạn cuối cùng, cho ra những nồi xôi đẹp mắt, ngon miệng. Bí quyết để có một nồi xôi ngon, theo kinh nghiệm của bà Thảo là xôi phải được nấu hai lửa: Lần thứ nhất, gạo nếp được nấu cách thủy khoảng 30 phút để xôi chín khoảng 70%. Qua sáng hôm sau, phần xôi được vẩy nước, bóp đều rồi đem đồ lại lần hai.
Theo chia sẻ của bà, nếu làm đúng quy trình thì một ngày, bà làm ra đủ 8 loại xôi. “Ngày trước, các cụ chỉ có nấu xôi lạc, đậu xanh, đậu đen và xôi gấc nhưng bây giờ còn có thêm xôi xéo, lá nếp, ngô, ngũ sắc,...” - bà Thảo cho biết. Cũng theo bà, xôi trắng tưởng dễ nấu nhưng thực tế lại dễ bộc lộ tay nghề nhất vì không có bất cứ phần phụ trợ nào về màu sắc cũng như hương vị.
Để xôi được ngon, nguyên liệu phải chuẩn
2. Nghề nấu xôi tuy vất vả vì thức khuya, dậy sớm để hoàn tất nhiều công đoạn trải dài từ 15-20 giờ nhưng ngày nay, bếp điện thay rơm, than, củi cũng như máy xay thay cho việc giã cối,... phần nào giúp người thợ bớt cực nhọc.
Vừa nhanh tay bỏ thêm phần dầu trộn vào thúng xôi xéo để hạt xôi to, bóng đẹp hơn, bà Thảo nói như “khoe” thêm về những thay đổi từ làng nghề: “Bây giờ không chỉ bán ở chợ truyền thống, nhà tôi còn có trang bán hàng riêng mang tên Xôi Phú Thượng - Xôi xưa. Bằng cách này, nhiều người biết thêm về xôi của làng. Khách hàng ở xa có thể được thưởng thức xôi với nhiều lựa chọn bằng cách đặt hàng trước...”.
Được biết, trang bán hàng này do con trai bà Thảo là anh Nguyễn Thanh Sơn lập với mong muốn những gánh xôi của bà, của mẹ vốn gắn bó cả thời tuổi thơ của mình được quảng bá tốt hơn. Anh Sơn vừa là người tiếp thị bán xôi cho bà Thảo, vừa là người tiếp nối những bí quyết gia đình từ cách nấu, ép khuôn tạo hình xôi,... Hiện nay, ngoài gia đình bà Thảo, nhiều hộ nấu xôi khác ở Phú Thượng cũng bắt đầu chú ý đến quảng bá hình ảnh làng nghề bằng công nghệ thông tin. Có lẽ nhờ đó, không ít hộ như nhà bà Thảo mỗi ngày có thể bán ra hơn 50kg xôi đi khắp nơi. Khách mua xôi không chỉ dùng như món ăn sáng ngon lành mà còn mua khi nhà có tiệc, dịp giỗ, tết,...
Ai một lần thưởng thức không khỏi tấm tắc khen bởi sắc - hương của dĩa xôi làng Gạ.
3. Ngoài nấu xôi truyền thống, người thợ nấu xôi làng Gạ còn sáng tạo khi tạo hình và cho ra đời loại xôi mang tính mỹ thuật cao như xôi hoa đậu. Đây là loại xôi nấu theo cách truyền thống nhưng được ép khuôn và dùng phần đậu xanh nhuyễn được sên dẻo rồi pha màu để tạo hình hoa, lá trang trí thêm cho xôi. Chị Nguyễn Hồng Sơn là một trong những người đầu tiên theo đuổi cách làm này ở Phú Thượng. Từng học chuyên nghành mỹ thuật và nghiêm túc muốn phát triển làng nghề nên theo chị Sơn, muốn xôi “không chỉ là món ăn” thì phải sáng tạo, dùng màu thiên nhiên từ các loại rau, củ hòa cùng đậu xanh để xôi thêm đẹp, mang tính nghệ thuật. Loại xôi đặc biệt này của chị Sơn đã nhiều năm tham dự hội thi làng nghề và được khách hàng ưa chuộng, chọn làm quà tặng hoặc dùng trong các dịp lễ, tết,... Cách này cũng là một phương cách nâng tầm nghề xôi truyền thống được nhiều người làm theo.
Thưởng thức xôi làng Gạ sẽ thấy mỗi loại đều có vị ngon riêng. Qua bàn tay khéo léo của những người con giữ nghề ở làng quê này, từng hạt xôi đều nở đẹp, có độ bóng và dẻo thơm hấp dẫn. Dù nấu theo hình thức truyền thống hay cách tân thì một ngày của những người nấu xôi luôn kết thúc bằng việc dỡ xôi vào tối muộn và sáng sớm hôm sau lại bắt đầu bằng việc đồ lại nồi xôi nghi ngút khói. Hương thơm từ hạt lúa nếp qua đôi tay khéo, lòng yêu nghề không còn quẩn quanh ngõ xóm mà lan xa đến nhiều nơi. Ai một lần thưởng thức không khỏi tấm tắc khen bởi sắc - hương của dĩa xôi làng Gạ./.
Nguyễn Hà