Tiếng Việt | English

23/03/2020 - 20:10

Long An tiếp nhận 3 tỉ đồng hỗ trợ người dân thiệt hại do hạn, mặn từ Công đoàn Ngân hàng Việt Nam

Sáng 23/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp trực tuyến về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn tại 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau và Kiên Giang.

Thừa ủy quyền từ Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An - Đào Văn Nghiệp trao bảng tượng trưng số tiền ủng hộ tỉnh đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh

Tại điểm cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú chủ trì. Tại điểm cầu tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh - Phạm Ngọc Tiệp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An - Đào Văn Nghiệp, đại diện một số tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh dự.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài từ tháng 12/2019 đến nay ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Trong đó, 5 tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất gồm Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau và Kiên Giang. Cuộc họp nhằm đánh giá về thiệt hại, khó khăn và đưa ra các giải pháp cấp bách về tín dụng, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại. 

Tại khu vực ĐBSCL, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đạt trên 571.000.000 tỉ đồng, tăng trưởng trên 14%/năm. Trong đó, Long An có dư nợ trên 74.000 tỉ đồng, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trên 51%. 

Do hạn hán, xâm nhập mặn, Long An có khoảng 40.000ha lúa, trên 1.200ha thanh long, 6.500ha chanh bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới, năng suất giảm. Bên cạnh đó, trên 10.000 hộ dân ở các huyện vùng hạ thiếu nước sinh hoạt.

Đại diện 5 tỉnh khu vực ĐBSCL chia sẻ đang bị tác động kép từ hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh Covid-19. Do hạn hán, xâm nhập mặn, nhiều hoạt động sản xuất, chế biến, nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái bị tác động rất lớn như thiếu nước sản xuất, tưới tiêu, sinh hoạt. Song song đó, dịch bệnh covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đối tác từ nước ngoài ngưng hợp đồng. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh phát biểu tại cuộc họp 

Đại diện lãnh đạo 5 tỉnh bị thiệt đều có chung kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng cần tăng vốn cho chương trình cho vay nước sạch vệ sinh nông thôn; bảo đảm phương án, nguồn vốn cho người dân, doanh nghiệp vay tái sản xuất sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh Covid-19; cần có hướng dẫn cụ thể, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại việc giảm, giãn nợ đồng bộ ở từng lĩnh vực đối với từng khoản vay của doanh nghiệp, người dân nhằm giảm bớt khó khăn.  

Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức trao đến 5 địa phương nói trên, mỗi địa phương 3 tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ người dân. Kinh phí thực hiện chương trình này do Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phát động tất cả cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn ngành đóng góp 1 ngày lương.

Tại Long An, số tiền nói trên sẽ được mua 1.500 chiếc thùng nhựa chứa nước loại 300 lít (dự kiến 1,5 tỉ đồng) và 15 máy lọc nước mặn thành nước sinh hoạt, công suất tối thiểu 150 lít/giờ (dự kiến 1,5 tỉ đồng). Theo đó, thùng nhựa chứa nước sẽ được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam mua tập trung và chuyển về địa phương. Riêng máy lọc nước do Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An chủ động tìm đơn vị cung cấp, lắp đặt tại các địa phương để phục vụ cho người dân.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú cho biết tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và quy định pháp luật liên quan khác; chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về vốn vay theo quy định.

Riêng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, ưu tiên bảo đảm nguồn vốn để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định tại khu vực ĐBSCL; chủ động phối hợp các bên liên quan trong triển khai các dự án nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn để đẩy mạnh giải ngân theo đúng tiến độ thi công, nhanh chóng đưa các công trình này vào sử dụng, đặc biệt là tại vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.

Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, xác định tình hình và thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện về cơ chế, thủ tục để doanh nghiệp, người dân tiếp cận các gói tín dụng cho các dự án phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, các dự án tích trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, cấp nước đô thị và nông thôn./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết