Vừa chơi, vừa học
Anh Bùi Quốc Việt (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là giáo viên dạy môn Lịch sử. Mỗi dịp hè, anh thường về thăm quê Quảng Ngãi. Thời gian còn lại, anh dành nhiều cho hoạt động tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Có khi anh đi một mình, có khi dẫn theo một số học sinh thích các hoạt động trải nghiệm. Hoạt động này vừa giúp anh thư giãn đầu óc, vừa tích lũy những kinh nghiệm thực tế hỗ trợ việc giảng dạy. Tại các điểm tham quan, anh được nghe nhiều câu chuyện từ các bậc cao niên; tận mắt thấy, tận tay sờ vào các bức hoành phi, câu đối treo nơi cổ miếu, đình, chùa; được cảm nhận “linh khí” của vùng đất sinh ra các anh hùng dân tộc;... Đó là những điều ít được ghi trong sách vở, cần trải nghiệm thực tế mới có thể cảm nhận trọn vẹn.
Anh Bùi Quốc Việt (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) thăm Công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc. Hoạt động này giúp anh có nhiều trải nghiệm thực tế để hỗ trợ việc dạy lịch sử
Anh Việt chia sẻ: “Tôi thường kết hợp vừa du lịch, vừa bổ sung kiến thức cho bản thân. Điều này góp phần giúp những bài giảng của tôi trở nên sinh động, thực tế hơn, từ đó, học sinh cũng hứng thú hơn khi học lịch sử. Ví dụ, khi dạy các em về Anh hùng Nguyễn Trung Trực, tôi đã đến Xóm Nghề nơi ông sinh ra, đến Vàm Nhựt Tảo nơi ông đốt tàu giặc, đến những ngôi đình thờ ông. Tôi chụp ảnh, quay phim về cho học sinh xem để các em hiểu được tình cảm của người dân dành cho người Anh hùng dân tộc. Dịp hè, tôi tranh thủ đi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và các địa phương để đúc kết kinh nghiệm. Nhờ đó, việc du lịch đối với tôi trở nên có ý nghĩa hơn”.
Du lịch hè là hoạt động thường niên của gia đình chị Ngô Thị Hồng Loan (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) để gắn kết cả nhà
Ở cơ quan, chị Ngô Thị Hồng Loan (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) được đồng nghiệp đặt biệt danh là “nhân viên chăm chỉ ba mùa”. Bởi trừ mùa hè ra, chị ít khi nghỉ. Chị dành các ngày phép năm cho mùa hè để dẫn các con đi du lịch, vừa giải trí, vừa là phần thưởng cho con vì thành tích học tập tốt. Gia đình chị Loan bận bịu cả năm với việc làm, việc học. Do đó, hè cũng là dịp để gia đình chị quây quần, trải nghiệm, lưu lại những kỷ niệm đẹp, tạo niềm vui, hứng khởi để thực hiện dự định tương lai. Một số khu du lịch trên địa bàn tỉnh được gia đình chị trải nghiệm vào cuối tuần vì khoảng cách gần, có thể đi về trong ngày. Dịp hè, chị Loan chọn các tour ngắn ngày, địa điểm là Phú Quốc, Phan Thiết, các khu du lịch sinh thái miền Tây,... Mỗi khi đến địa điểm nào, chị dạy cho các con biết lịch sử vùng đất, các anh hùng dân tộc địa phương và văn hóa bản địa. Vốn là dân phiên dịch nên chị rất quan tâm đến việc học ngoại ngữ của các con. Khi đến các khu du lịch có nhiều khách nước ngoài, chị cho các con giao tiếp với họ để rèn luyện thêm kỹ năng nghe, nói. Chị Loan tâm sự: “Du lịch hè là hoạt động thường niên của gia đình tôi, vừa giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng, vừa học thêm những điều mới mẻ. Đối với tôi, du lịch hè không phải là dịp tiêu tiền hoang phí hay “hành xác” mà là sự đầu tư đúng đắn, khoa học”.
Quê hương mình đẹp lắm!
Anh Châu Trung Thành (bên trái) (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) trong lần du lịch tại tỉnh Phú Yên
Anh Châu Trung Thành (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) là chủ một cửa hàng bán máy lọc nước. Tuy quanh năm tất bật với việc bán buôn nhưng hè nào anh cũng “ăn theo” học sinh, đóng cửa vài ngày để đi du lịch. Anh Thành tếu táo: “Tôi mạng thủy nên làm gì liên quan đến nước là thành công”. Bởi vậy, những chuyến đi du lịch của anh đều gắn liền với sông, với biển. Có năm anh xuống Cồn Phụng (tỉnh Bến Tre) trải nghiệm bơi xuồng, nghe cải lương, làm kẹo dừa; có năm túi tiền “rủng rỉnh” hơn, anh tìm đến Nha Trang, Phú Yên, Đà Nẵng,... Ban đêm, ngồi trước biển nghe sóng vỗ, anh chiêm nghiệm được nhiều điều; khi có những gút mắc khó giải quyết, anh cũng đi biển. Tự nhận mình là người hài hước nhưng việc kinh doanh đôi lúc làm anh căng thẳng. “Những lúc như vậy, tôi viết nỗi buồn của mình lên cát, nhờ sóng biển cuốn đi. Những chuyến du lịch làm đời sống tinh thần của tôi phong phú thêm. Tôi có những phút giây bình yên để suy nghĩ. Bởi vậy hè nào tôi cũng đóng cửa tiệm để đi du lịch vài ngày” - anh Thành bộc bạch.
Nếu như anh Thành thích biển thì chị Phạm Thị Kim Tuyến (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) lại “mê” rừng núi. Các điểm đến của chị thường là Đà Lạt, Măng Đen, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên,... Trong tỉnh Long An, chị thường đi các khu du lịch sinh thái thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười, nơi có rừng tràm và nhiều sản vật miền sông nước. Thời sinh viên, chị Tuyến thích hình thức du lịch trải nghiệm, đi nhiều, chơi nhiều. Chị và bạn bè từng chinh phục con đường Tà Năng - Phan Dũng nổi tiếng nguy hiểm. Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, chị thích hình thức du lịch nghỉ dưỡng với các hoạt động nhẹ nhàng, chủ yếu ăn, ngủ, hòa mình vào thiên nhiên. Là người theo đạo Phật, mỗi chuyến đi, chị Tuyến thường đến các chùa để nghe pháp, ngồi thiền quan sát thân, tâm.
Đối với chị Phạm Thị Kim Tuyến (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước), du lịch hè gắn với núi rừng luôn được ưu tiên
Chị Tuyến chia sẻ: “Rừng núi tạo cho tôi cảm giác như được về nhà, nơi đây có vẻ đẹp hoang sơ, không khí trong lành. Khi hòa mình vào thiên nhiên, bao nhiêu nỗi mệt nhọc, lo toan dường như tan biến hết. Có điều kiện đi nhiều nơi, tôi nhận ra đất nước mình thật đẹp, tôi hay tự hỏi tại sao thiên nhiên lại diệu kỳ đến vậy. Những chuyến du lịch làm tôi được hòa mình vào thiên nhiên, “sạc” năng lượng để tiếp tục hành trình phía trước”.
Mùa hè, học sinh, sinh viên được nghỉ ngơi sau một năm học tập. Nhờ những điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” ấy mà mùa hè trở thành mùa du lịch. Đó là cơ hội để con người quân bình cảm xúc; để học tập, khám phá; gắn kết tình thân, lưu dấu những kỷ niệm và nhận thấy rằng đất nước ta thật tươi đẹp. Nhưng du lịch hè không chỉ dành cho người có điều kiện kinh tế. Ta cũng có thể “du lịch” ngay tại nơi mình đang sống, trong vòng tay yêu thương của gia đình, bè bạn./.
|
Tiểu vùng Đồng Tháp Mười - Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, với đặc trưng du lịch sinh thái, văn hóa và cộng đồng được xem là tiểu vùng du lịch đặc trưng trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam.
|
Châu Thanh