Tiếng Việt | English

18/06/2015 - 11:03

Những người “Được nuôi lớn” từ dân

2 năm làm nghề báo không đủ để tôi có thể viết tâm sự nghề nghiệp hay chia sẻ kinh nghiệm, kỷ niệm. Điều đó dành cho những người đã gắn bó cả đời với nghề và đạt những thành công nhất định. Thành công với tôi không phải những giải báo chí rình rang, mà chính là sự yêu mến của người đọc.

Phóng viên trên đường đến nhà dân

“Đề tài qua ly rượu sơ giao”

Tôi biết, có một số nhà báo bút danh của họ được biết đến nhiều hơn tên thật. Có nhà báo, bài viết của họ luôn được độc giả chọn đọc đầu tiên. Và cũng có người sau vài chục năm làm báo, có vài chục người bạn mỗi năm đến thăm họ một lần, mang theo các thức quà quê: Trái cây, rượu thuốc, mật ong,…

Họ không cần công nghệ lăng-xê. Họ đơn giản chỉ dành suốt khoảng thời gian làm việc của mình để gần dân, phục vụ dân. Đề tài của họ do dân cung cấp, và bài viết của họ được dân đón nhận. Tất nhiên, họ được dân tin tưởng, yêu thương.

Tôi may mắn làm chung với những phóng viên mảng nội chính, bạn đọc để nhìn thấy cách thức các anh làm việc. Đề tài các anh theo đuổi phần lớn xuất phát từ bức xúc của người dân thông qua đơn thư và đường dây nóng.

Khi viết về đề tài người dân quan tâm, các anh theo đuổi đến cùng, dù thời gian rất dài. Trong buổi họp mặt cộng tác viên tại tòa soạn, tôi nghe độc giả nhắc lại các phóng sự do phóng viên bạn đọc của chúng tôi thực hiện cách đây ngoài 1 năm. Những bài viết đó được nhớ tới vì nó phù hợp với nguyện vọng và tâm tư của người dân.

Để hoàn thành loạt bài đó, các anh đã bỏ nhiều thời gian, công sức bám trụ địa bàn, ăn nhà dân, ở nhà dân và,… nhậu với dân. Người miền Tây nổi tiếng thật thà, phóng khoáng, nên có khách là mời ở lại ăn cơm, uống vài ly rượu “dễ nói chuyện”. Trên những ly rượu sơ giao đó, các bác nông dân sẽ “móc cả gan ruột ra cho nhà báo”. Từ đó, các anh có cả thông tin lẫn đề tài mới.

Không ít lần, trong những chuyến công tác lỡ đường, tôi “ăn cơm chực” nhà dân. Nhớ có dạo tôi ghé nhà bác Mười Lẵm ở Tân Thạnh viết về những công trình cầu đường do bác làm. Dù chiều muộn, bác vẫn giữ tôi lại ăn tô cháo, uống ly rượu với bác rồi mới được về. Bác Năm Tàu ở Nhơn Hòa, Tân Thạnh thì đưa tôi đến từng nhà dân, chỉ tôi cái khó khăn, cực khổ của dân rồi gửi gắm: “Mong là lần này lên báo sẽ có tiến triển”. Rồi bác vui vẻ: “Hay bây làm con nuôi tao đi!”.

Chạm vào thực tế

Lần đầu tiên trên google xuất hiện cụm từ “nghề đi mong” là cách đây khoảng nửa năm. Nguồn thông tin do một phóng viên trong tỉnh cung cấp khi anh thực hiện bài viết “nghề đi mong”. Sau một ngày đêm ở lại làng đi mong, anh được những người dân ở đó giải thích tại sao lại là đi mong, đi như thế nào, thời hoàng kim và hiện tại nó ra sao. Đó là tìm đề tài từ dân. Sự phát triển của một địa phương được chứng minh bằng mức độ hài lòng của dân. Những đề tài phản ánh xuất phát từ bức xúc của dân. Chỉ có cách “chạm” vào cuộc sống thật, tận mắt nhìn, tận tai nghe và tận tay sờ thì mới đủ hiểu, đủ cảm xúc hoàn thành một bài viết.

Có lần tôi đến thăm một học sinh cấp 2 được huyện Thạnh Hóa được tuyên dương học tập và làm theo lời Bác - em Thái Văn Giàu. Tên Giàu, nhưng em nghèo đến nỗi căn nhà lá xập xệ cũng cất trên mảnh đất mượn. Nhà em rách, chiếc giường tre của em gồ ghề, bàn học của em là bàn tiếp khách, ăn cơm của cả nhà, nhưng tập sách của em ngay ngắn, thẳng thớm và chữ em đẹp. Em nhiều năm liền là lớp trưởng và trong suốt những ngày đi học em không có lấy 1 đồng tiền ăn vặt. Nếu không tới gặp em, tôi không biết những điều đó.

Chạm vào cuộc sống thật của người dân cho chúng tôi thông tin chính xác, cảm xúc chân thật truyền tải đến độc giả. Sự yêu thương, quý mến của người dân là động lực, nguồn cội cho người làm báo và phóng viên như tôi. Những bác nông dân chân lấm tay bùn sẽ nói với chúng tôi họ vui như thế nào vì những công trình mới, bức xúc ra sao vì những điều không biết kêu ai! Cuộc sống dân dã dạy chúng tôi cách bắt được mạch nguồn những điều người dân thực sự quan tâm và mong mỏi.

Sẽ rất bình thường nếu thấy một phóng viên trở về nhà sau một ngày làm việc với bộ quần áo bám bụi, hơi ngà ngà say và có một túi quà quê lỉnh kỉnh treo trên xe máy. Họ vừa mới đi gặp dân về!./.

Phương Phương 

Chia sẻ bài viết