Tiếng Việt | English

20/09/2020 - 17:27

Ông Võ Văn Thưởng mong muốn Việt Nam có những triết gia tầm cỡ

Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào sáng nay (20/9). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tới dự và phát biểu.

Phát biểu tại Đại hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, việc thành lập Hội Triết học là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự tập hợp những người làm công tác triết học nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác nghiên cứu, giảng dạy triết học, góp phần vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Điểm lại quá trình hình thành, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết từ rất sớm, dân tộc ta đã phần nào tiếp cận được tinh hoa triết học của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở phương Đông.

Khi một số trung tâm khoa học châu Âu có mặt tại Hà Nội, chúng ta không chỉ tiếp nhận được nội dung của nhiều học thuyết, nhiều khuynh hướng triết học mà còn tiếp nhận được cả phương pháp tư duy triết học ở trình độ cao của nhân loại.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, những yếu tố trên góp phần không nhỏ vào sự phát triển tư tưởng triết học Việt Nam, song, về cơ bản, sự phát triển tư tưởng triết học Việt Nam là kết quả sự kế thừa và phát triển trí tuệ uyên bác của cha ông ta từ thực tiễn hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.


Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng

"Việt Nam chưa có nền triết học sánh ngang với triết học Hy Lạp - La Mã bề thế, với triết học Ấn Độ sâu sắc, với triết học Trung Hoa thâm thúy, hay với triết học duy lý của Tây Âu nhưng Việt Nam bên cạnh nền văn hóa vật thể ẩn chứa vô vàn những triết lý hành động, còn có nền văn hóa Văn - Sử - Triết bất phân, có sự kết hợp tinh tế giữa các loại hình văn hóa với tư duy tín ngưỡng dân tộc…", ông Võ Văn Thưởng bày tỏ  

Gần một thế kỷ qua, kể từ khi triết học Mác - Lênin được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam truyền bá ở Việt Nam, tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn của nó đã được giới lý luận và các nhà hoạt động xã hội Việt Nam nhanh chóng tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo.

Sự tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo này đã góp phần làm cho triết học Mác - Lênin trở thành thế giới quan, phương pháp luận định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của dân tộc, kể cả thực tiễn lao động xây dựng đất nước, xây dựng phát triển văn hóa, con người...

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhìn lại gần 35 năm qua, khi thực hiện công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, đã đem lại nhận thức đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về chủ nghĩa tư bản, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, về thời kỳ quá độ và những đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.

Ông khẳng định sự nhận thức đầy đủ hơn, đúng đắn hơn này trước hết là nhờ tư duy triết học. Tư duy biện chứng duy vật đã cung cấp cơ sở lý luận làm thay đổi phương thức phát triển đất nước - từ chỗ cứng nhắc, chủ quan, giáo điều sang phương thức mềm dẻo hơn, thực tế hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn.

Tư duy này đã định hướng đưa nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội, ra khỏi tình trạng một nước nghèo và từng bước vững chắc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng ở nước ta, ngoài triết học Mác - Lênin, các triết học khác ít được nghiên cứu sâu, thậm chí ít được biết đến, trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc giảng dạy và nghiên cứu triết học chưa đạt chất lượng cao. Hiện nay chưa có nhà triết học Việt Nam nào đủ nổi tiếng hoặc đạt đến trình độ chuyên gia, sự gắn kết giữa triết học với chính trị và với thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết…

Từ nhu cầu phát triển của xã hội, từ thực trạng các mặt của ngành Triết học Việt Nam, thay mặt  Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, và với tư cách cá nhân của một người học triết học, ông Võ Văn Thưởng khẳng định Hội Triết học có nhiệm vụ quan trọng. 

Đó là nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và chức năng để đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực có tri thức và tư duy triết học cao, đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết của nhân dân về triết học, cung cấp cơ sở lý luận triết học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hội Triết học cần đẩy mạnh nghiên cứu tinh hoa triết học thế giới, nghiên cứu tư tưởng triết học Việt Nam, nghiên cứu và phát triển Triết học Mác - Lênin, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh nhằm cung cấp cơ sở lý luận triết học cho đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt với các mục tiêu cụ thể và to lớn mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” là: Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Hội Triết học có nhiệm vụ góp phần làm sáng tỏ vai trò của triết học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh với tính cách là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là ngọn cờ tư tưởng và là hạt nhân lý luận của thế giới quan và phương pháp luận cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn.

Từ góc độ lý luận triết học, Hội Triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh Hội Triết học phải trở thành mái nhà chung của các thế hệ những nhà nghiên cứu, giảng dạy triết học của cả nước, cái nôi vun đắp, bồi dưỡng, để Việt Nam có những triết gia, chuyên gia nghiên cứu triết học tầm cỡ khu vực và thế giới; là nơi tham gia tổ chức các diễn đàn học thuật uy tín về triết học cả trong và ngoài nước./.

Theo Vietnamnet

Chia sẻ bài viết