Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nguyên Bí thư huyện Bến Thủ (huyện Bến Lức và Thủ Thừa ngày nay) - Ngô Văn Hoạch (86 tuổi)
Những năm 1967-1968, tôi là Phó Bí thư, Chính trị viên Huyện đội Bến Thủ. Còn nhớ, tình hình khi ấy vô cùng khẩn cấp. Tôi được lệnh chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương, tiến đánh vào lực lượng địch ở Quốc lộ 4 (Quốc lộ 1 ngày nay). Nhiệm vụ trong Chiến dịch Mậu Thân 1968 vô cùng quan trọng đối với quân ta vì chặn đánh địch hướng từ miền Tây lên chi viện, tiếp ứng cho Sài Gòn.
Những ngày giáp tết nhưng anh em vẫn sẵn sàng chiến đấu. Tôi nhớ khi ấy, đúng giờ “G” những ngày Tết Mậu Thân, tôi trực tiếp chỉ huy một đại đội cùng với bộ đội địa phương được trang bị vũ khí, thuốc nổ,... tiến đánh đồn bót của địch đóng trên địa bàn. Bộ đội ta tiến đánh trong đêm, làm địch hoang mang, lo sợ.
Sau đó, tôi nhận nhiệm vụ từ trên, chỉ huy anh em tiếp tục phá lộ, phá cầu,... ngăn không cho lực lượng của địch chi viện, yểm trợ cho Sài Gòn.
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Sấm, ngụ ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng
Lúc bấy giờ, tôi là dân công hỏa tuyến, nhiều lần tham gia tải đạn, chuyển thương bộ đội. Bên cạnh bộ đội chủ lực, nhiều thanh niên tích cực ngày đêm phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nhiều người chỉ ở độ tuổi 16, 17. Họ tham gia với mong muốn hỗ trợ để quân ta hoàn thành sứ mệnh tổng tiến công, sớm thống nhất đất nước.
Những giờ phút lịch sử của các đợt tiến công Chiến dịch Mậu Thân, các đoàn dân công dũng cảm xuống đường, băng mình trong lửa đạn. Mỗi dân công đều mang trên mình từ 15-20kg đạn hay đồ dùng quân sự để kịp chuyển vũ khí cho tuyến trên và đưa thương binh về tuyến sau. Với tinh thần cách mạng, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm.
Ngày nay, những người được sống trong hòa bình phải nhớ công ơn to lớn của Đảng, Bác Hồ và những người anh dũng hy sinh trong chiến dịch này cũng như trong cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên Đồn biên phòng Sông Trăng
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thắng lợi của tinh thần độc lập, dân chủ, bản lĩnh và sáng tạo trong việc đề ra chủ trương chiến lược; là thắng lợi của niềm tin tuyệt đối của toàn dân, toàn quân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ; là sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là chiến thắng của nghệ thuật quân sự tuyệt vời, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lấy sức mạnh, ý chí quật cường của dân tộc thắng vũ khí tối tân của Mỹ.
Từ đó, là người lính biên phòng, chúng tôi luôn ghi nhớ sự hy sinh của thế hệ cha anh. Chúng tôi luôn xác định bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt hào khí của Chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, tập hợp và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc, xem việc xây dựng “thế trận lòng dân” là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bí thư huyện Đoàn Vĩnh Hưng - Trần Hữu Hiệp
Huyện đoàn tham mưu cấp ủy tuyên truyền và tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng giúp đoàn viên, thanh, thiếu niên nhận thức sâu sắc về thắng lợi, ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 qua nhiều hình thức: Sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi đoàn, tọa đàm, giao lưu với nhân chứng lịch sử, tuyên truyền thông qua các trang tin điện tử, mạng xã hội, thăm hỏi, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền ca khúc cách mạng,...
Qua đó, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự mưu trí, sáng tạo và tinh thần chiến đấu anh dũng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, sự sáng tạo của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Bí thư Thành đoàn Tân An - Nguyễn Hữu Lợi
Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôi tập trung triển khai nghị quyết của Đảng, Đoàn các cấp cho đoàn viên, hội viên thanh niên để các bạn ý thức về vai trò xung kích, sáng tạo, tình nguyện, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, tôi luôn chú trọng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên, đoàn viên, thanh niên.
Thế hệ trẻ chúng tôi cùng với hệ thống chính trị chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, phấn đấu đưa TP.Tân An đạt đô thị loại II trước năm 2020.
Bí thư Đoàn xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Thành Trung
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện sức mạnh bất khuất của dân tộc Việt Nam, để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc cho thế trẻ ngày nay.
Tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh, với vai trò là thủ lĩnh Đoàn, tôi luôn phấn đấu học tập, rèn luyện, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ Tổ quốc; xung kích, đi đầu trong mọi lĩnh vực; tổ chức, thực hiện một số công trình, phần việc thanh niên, phong trào hành động cách mạng ý nghĩa, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Ông Ngô Văn Hồng Sơn, ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc
Với tôi, giá trị, ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn nguyên vẹn. Tinh thần ấy không chỉ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà còn được tiếp nối, phát huy trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.
Là nông dân, tôi luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chọn cây, con giống phù hợp với thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ đó, đóng góp nguồn lực cùng với Đảng, Nhà nước chung tay xây dựng thành công xã văn hóa, nông thôn mới.
Thanh Nga - Văn Đát - Phong Nhã (ghi)