Tiếng Việt | English

11/09/2016 - 07:34

Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Văn Giàu (11/9/1911 – 11/9/2016)

Tận hiến cho đời

Cố Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ra trong gia đình trung lưu ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Năm 1925, ông lên Sài Gòn học Trường Trung học Chasseloup Laubat. Khi Trần Văn Giàu học lên năm thứ ba thì có phong trào sinh viên rủ nhau sang Pháp. Ông bị cuốn theo “cơn sốt” này và cũng xin đi Tây.

Năm 1928-1929, ông sang Pháp và tiếp tục đi học. Năm 1930, Trần Văn Giàu tham gia biểu tình ở Paris, ông bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam. Cũng trong năm 1930, ông bí mật gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, giữa năm 1931, Trần Văn Giàu được tổ chức đưa sang Liên Xô, học tại Trường Đại học Đông Phương Matxcơva. Sau lần bị bắt và kết án tù treo 5 năm vào năm 1933, tháng 4/1935, Trần Văn Giàu bị bắt cùng với một số đồng chí khác. Chúng đưa ông ra tòa tiểu hình và kết án 5 năm tù, đày đi Côn Đảo.


Cố Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: Internet

Tháng 5/1940, mãn hạn tù, ông về nhà 9 ngày thì bị bắt trở lại. Trong khoảng thời gian 1933-1945, ông hoạt động tổ chức đấu tranh chủ yếu đào tạo cán bộ ở ngoài cũng như trong tù. Từ ngày 13 đến 15/10/1943, Xứ ủy Nam kỳ họp nhưng không có mặt ông Giàu nên giao chức Bí thư cho ông Dương Quang Đông, nhưng nhanh chóng trao lại cho ông Trần Văn Giàu.

Tháng 8/1945, ông lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ, là Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công ở Nam bộ có công lao to lớn của Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa - Trần Văn Giàu.

Năm 1946-1948, Trần Văn Giàu được Trung ương điều sang giúp bạn xây dựng lực lượng kháng chiến ở Campuchia. Năm 1949, ông về nước, được cử làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin. Năm 1951, Bộ Giáo dục chủ trương thành lập Trường Dự bị đại học ở vùng kháng chiến Thanh - Nghệ - Tĩnh rộng lớn, từ một cán bộ chính trị, ông Trần Văn Giàu chuyển hẳn sang làm thầy giáo thực thụ, làm giáo sư đại học.

Năm 1954, sau khi tiếp quản thủ đô, ông được cử làm Khoa trưởng Khoa Văn-Sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Giữa năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng vẫn tham gia đào tạo ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những năm 1962-1975, ông công tác tại Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Từ năm 1975, ông tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội.

Với những cống hiến, những công trình nghiên cứu và giảng dạy của mình trên lĩnh vực triết học, sử học và văn học, Trần Văn Giàu được phong hàm Giáo sư trong lớp giáo sư đầu tiên của nước ta.

Năm 2002, Giáo sư Trần Văn Giàu bán ngôi nhà của mình lấy 1.000 lượng vàng gửi ngân hàng để làm Quỹ Trần Văn Giàu. Từ lãi suất của 1.000 lượng vàng này, hàng năm, Giải thưởng Trần Văn Giàu được trao cho các công trình nghiên cứu trên 2 lĩnh vực: Lịch sử và Lịch sử tư tưởng liên quan đến cực Nam Trung bộ (tỉnh Bình Thuận) và Nam bộ Việt Nam. Đây là giải thưởng được đánh giá có uy tín, giá trị cao nhất về mặt khoa học, lịch sử để vinh danh và khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu.

Trong 70 năm hoạt động cách mạng, nghiên cứu khoa học, Giáo sư Trần Văn Giàu viết hơn 150 công trình nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn với hàng vạn trang sách được xuất bản để đến với bạn đọc trong và ngoài nước. Giáo sư được Đảng và Nhà nước ta trao tặng nhiều huân chương và danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất,... Nhà giáo nhân dân (1992), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2003). Đặc biệt, toàn bộ công trình về lịch sử Việt Nam gồm 5 bộ, 18 tập (1956-1957) của Giáo sư Trần Văn Giàu được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt 1, năm 1996.


Những huân, huy chương Đảng và Nhà nước trao tặng Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: Văn Ngọc Bích

Riêng đối với quê hương Long An, Giáo sư trao tặng toàn bộ sách của ông cho tỉnh nhà. Qua kiểm kê, phân loại, có đến 2.398 bản gồm các công trình nghiên cứu, tác phẩm của Giáo sư, sách tham khảo, sách viết về ông,... Hiện toàn bộ số sách quý trên đang được lưu giữ, trưng bày tại Thư viện tỉnh Long An.

Ông mất ngày 16/12/2010, hưởng thọ 100 tuổi. Theo ý nguyện, mộ phần được đặt tại xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành - nơi chôn nhau cắt rốn của Giáo sư. Nơi đây cũng được đầu tư xây dựng thành Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu (gồm nhà thờ họ Trần và khu mộ Giáo sư cùng gia đình).

Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu được UBND tỉnh Long An xếp hạng di tích cấp tỉnh. Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Văn Giàu, xin được ôn lại vài nét về cuộc đời và sự nghiệp, những đóng góp lớn lao của ông cho quê hương, đất nước để làm động lực cho thế hệ hôm nay sống, lao động và cống hiến nhiều hơn nữa./.

Hồ Phan Mộng Tuyền

Chia sẻ bài viết