Xe văn hóa thông tin lưu động tổng hợp của TP.Tân An tăng cường tuyên truyền công tác phòng dịch Covid-19 đến người dân (Ảnh: THU NGÂN)
Tuy nhiên, vào những tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương với mức độ nhanh, mạnh, nguy hiểm, đã tác động không thuận lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng xấu lên mọi mặt đời sống xã hội, đe dọa đến tính mạng, an toàn và sức khỏe Nhân dân. Và Long An là một trong những địa phương “tâm dịch” của cả nước với gần 39.000 ca nhiễm, giai đoạn đỉnh dịch có trên 900 ca/ngày. Tỉnh đã phải thực hiện 2 đợt giãn cách xã hội (hơn 2 tháng) và huy động mọi nguồn lực với quyết tâm dập dịch và đưa xã hội về trạng thái “bình thường mới”.
Đến nay, số ca nhiễm của tỉnh chỉ còn dưới 80 ca/ngày, tỉnh đã cơ bản thực hiện hoàn thành việc tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, nhất là lực lượng công nhân, lao động; đang tiếp tục triển khai tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ phân bổ vắc-xin. Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội được triển khai, thực hiện kịp thời, đúng quy định; số lượng DN tái hoạt động ngày càng tăng, KT - XH đã có nhiều khởi sắc.
Những kết quả trên phản ánh công tác phòng, chống dịch được tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nhất quán, quyết liệt, linh hoạt và đúng hướng; có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã xác định đúng đắn và thực hiện tập trung cao độ, quyết liệt “3 mũi giáp công”: Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, xét nghiệm sàng lọc cộng đồng và tiêm vắc-xin toàn dân - đó chính là yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, sự tin tưởng, đồng hành của nhân dân, cộng đồng DN trên địa bàn là một trong những yếu tố quan trọng. Thành quả của công tác phòng, chống dịch Covid-19 là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An, trong đó không thể không nói đến sự đóng góp không nhỏ của các binh chủng thông tin, tuyên truyền trong ngành Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh.
Ngành Tuyên giáo tỉnh đã linh hoạt phối hợp triển khai nhiều giải pháp trong việc nắm bắt tình hình tư tưởng để chủ động định hướng thông tin, dư luận xã hội, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, người dân đối với các chủ trương, chính sách, các giải pháp phòng, chống dịch của Trung ương, tỉnh và địa phương.
Toàn ngành đã quán triệt và thực hiện phương châm “Công tác thông tin, tuyên truyền phải đi trước một bước”. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã bám sát chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn công tác tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều hình thức phong phú mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời, nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới phương thức điều hành: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội (lập các nhóm Zalo, Facebook) để duy trì chế độ báo cáo nhanh hàng ngày; tổ chức hình thức trực tuyến với hệ thống tuyên giáo và các binh chủng tuyên truyền để theo dõi và nắm diễn biến tình hình; phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, cộng tác viên dư luận xã hội để nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Thông qua giao ban báo chí định kỳ và đột xuất (trực tuyến) để cung cấp thông tin chính thống và chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh tăng cường thời lượng, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tin, bài thông tin về tình hình dịch bệnh; phản ánh các hoạt động lãnh, chỉ đạo của các cấp, các ngành; biểu dương các hoạt động của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự chia sẻ, hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN trong và ngoài tỉnh.
Hệ thống Tuyên giáo toàn tỉnh đã thực hiện tuyên truyền sâu, rộng trên tinh thần thông tin đầy đủ, kịp thời khẩu hiệu “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”, để nhân dân nhận thức rõ về tình hình dịch Covid-19, không hoang mang, dao động trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ủng hộ cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả. Trong công tác tuyên truyền, toàn ngành đã đặc biệt chú trọng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ở cơ sở. Phát huy ưu thế của loại hình loa truyền thanh thông tin lưu động tại các khu dân cư, khu nhà trọ công nhân và hoạt động của tổ Covid cộng đồng, nhất là tại các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp.
Hệ thống tuyên giáo và các cơ quan thông tin, truyền thông đã tích cực tham mưu cấp ủy lãnh, chỉ đạo và triển khai, thực hiện công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin xấu, độc, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, lan tỏa nhiều thông tin tích cực, chính thống, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng, góp phần giữ vững ổn định tư tưởng, an ninh, trật tự trên địa bàn.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch, ngành Tuyên giáo tỉnh nhà tiếp tục nỗ lực, khắc phục những khó khăn, thách thức, tập trung tuyên truyền đậm nét về vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền để người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh trước dịch bệnh, đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.
Hồ Tùng