Tiếng Việt | English

08/01/2019 - 19:55

Thủ tướng: 13 triệu tấn rác thải nông thôn xử lý thế nào?

Nêu vấn đề 13 triệu tấn rác thải nông thôn, Thủ tướng nhấn mạnh rác rất lớn nhưng nhà đầu tư xử lý rác không có rác để làm việc này, trách nhiệm xử lý thuộc về ai?

Sáng 08/01, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của Bộ là xây dựng thể chế chính sách pháp luật để giải phóng, tạo điều kiện cho ngành ngành tài nguyên môi trường phát triển, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực của cả hệ thống, phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương, đơn vị nêu ý kiến “xoáy” vào các vấn đề bức xúc để xử lý giải quyết của ngành tài nguyên và môi trường. Trong đó có những vướng mắc giữa ngành và địa phương trong công tác quản lý để phát huy được nguồn lực; các vướng mắc về thủ tục hành chính; chất lượng cán bộ của ngành. Thủ tướng đặt câu hỏi, các đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hiện nay là hình thức hay thực chất và yêu cầu nâng cao chất lượng các đánh giá ĐTM này. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý ngành chỉ đạo xử lý các bức xúc như  tình trạng các dòng sông chết, mực nước ngầm sụt giảm mạnh do khai thác bừa bãi; vấn đề sử dụng đất đai nông-lâm trường; vấn đề thanh kiểm tra và xử phạt chưa tạo điều kiện cho phát triển; vấn đề xã hội hóa nguồn lực; vấn đề khai thác cát bừa bãi...

Nêu kinh nghiệm ở Campuchia, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm tiền mua hàng nếu sử dụng túi nilon, Thủ tướng nêu rõ, túi nilon, rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề bức xúc hiện nay ở nước ta.

“13 triệu tấn rác thải nông thôn giải quyết thế nào? Rác bây giờ rất lớn nhưng nhà đầu tư xử lý rác không có rác để làm việc này, trách nhiệm xử lý thuộc về ai? Các container nằm đầy ở các cảng trách nhiệm thế nào?”, Thủ tướng nêu câu hỏi, đồng thời cho rằng để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên môi trường, Bộ cần việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách sát với thực tiễn đời sống và sản xuất.

"Thể chế chính sách pháp luật nào để giải phóng, tạo điều kiện cho ngành tài nguyên môi trường phát triển, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực của cả hệ thống, phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường. Bộ cũng rất năng động nhưng khoảng cách giữa đời sống sản xuất với công tác của hệ thống còn nhiều vấn đề. Vậy thế chế chính sách nào? Trách nhiệm các bộ phận ra sao? Nhất là chúng ta mạnh dạn điều động bãi nhiệm, kỷ luật, xử lý cán bộ làm sai hoặc khen thưởng cán bộ làm hiệu quả. Đây không chỉ là vấn đề của Bộ mà tất cả các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương", Thủ tướng đề nghị. 

Trong công tác khí tượng thủy văn, Thủ tướng nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới là rất quan trọng để dự báo thời tiết khí hậu và phòng chống thiên tai.

Theo báo cáo của Bộ, trong 3 năm 2016-2018, toàn ngành đã tiến hành hơn 7.000 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với hơn 22.000 tổ chức, qua đó kiến nghị thu hồi gần 13.000 ha đất, truy thu hơn 64 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 344 tỉ đồng.  

Trong năm 2018, toàn ngành đã tổ chức tiếp hơn 6.000 lượt người với hơn 100 lượt đoàn đông người; tiếp nhận và xử lý hơn 12.000 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo. Bộ đã thẩm tra, xác minh, xử lý 100% vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, giải quyết 91 vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về cắt giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ đã bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; cắt giảm bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến kiếm tra chuyên ngành. 

Ba năm qua, Bộ đã đưa hơn 50.000 ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế xã hội; đã xử lý, thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án với diện tích gần 30.000 ha. Thực hiện các quy định về giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa đầu cơ, tăng thu từ đất lên trên 121.000 tỉ đồng.

Về năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra mục tiêu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Bên cạnh đó, 80% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý; 12% thu ngân sách nội địa là từ đất đai; có cơ chế giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài; hoàn thành sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp...

Bộ cũng sẽ tập trung sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; tổng kết đánh giá việc thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012. Tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận./.

Vũ Dũng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích