Tiếng Việt | English

23/02/2016 - 16:14

Thường vụ Quốc hội không đồng ý tách Vụ Dân nguyện

Thường vụ Quốc hội không đồng tình với đề nghị lập Vụ Tiếp công dân và xử lý đơn thư từ việc tách Vụ Dân nguyện của Ban Dân nguyện.

Sáng 23/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện.

Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về Ban Dân nguyện để sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện nhằm bảo đảm thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 và tán thành với mục đích, yêu cầu, quan điểm sửa đổi, bổ sung được nêu trong Tờ trình.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hơn để tránh chồng chéo về nhiệm vụ, chức năng cũng như thể hiện được Ban Dân nguyện là cơ quan trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với quy định trong dự thảo về việc Ban Dân nguyện có các vụ tham mưu, giúp việc là Vụ Dân nguyện và Vụ Tiếp công dân và xử lý đơn thư.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận phiên làm việc sáng 23/2 (Ảnh: Quốc hội)

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, so với Nghị quyết hiện hành, dự thảo quy định thành lập thêm 1 vụ mới để tham mưu, giúp việc cho Ban Dân nguyện trên cơ sở tách Vụ Dân nguyện hiện hành thành 2 vụ là Vụ Dân nguyện và Vụ Tiếp công dân và xử lý đơn thư.

Ban soạn thảo cho rằng, việc tách ra làm 2 vụ trên để đảm nhiệm 2 lĩnh vực hoạt động của Ban Dân nguyện và việc tách Vụ Dân nguyện thành 2 Vụ về cơ bản không tăng thêm biên chế.

Về vấn đề này, theo ông Phan Trung Lý, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật không nhất trí vì cho rằng việc thành lập thêm 1 vụ mới là chưa đủ cơ sở thuyết phục; không bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tinh giảm biên chế, nhất là Nghị quyết số 39 của Bộ chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Loại ý kiến này cho rằng việc thành lập thêm 1 vụ quy định như vậy khó tránh khỏi phải tăng biên chế, tăng cả kinh phí hoạt động, trang thiết bị làm việc. Mặt khác, nội dung này nên để quy định trong Nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội

Bên cạnh đó cũng có ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành việc tách thành hai Vụ nhằm kiện toàn bộ máy giúp việc về tiếp công dân; tăng cường công tác xử lý đơn, thư khiếu nại tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đây cũng là một đặc thù do có khối lượng lớn đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, UBTVQH, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội mà Ban Dân nguyện phải xử lý...

Không đồng tình với dự thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng nếu cho tách Vụ thì các Uỷ ban khác cũng đều muốn tách. Lý do lập thêm vụ mới là chưa thuyết phục nên cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

“Tiếp công dân và xử lý đơn thư đều nằm trong nội hàm dân nguyện. Anh muốn nắm được tình hình trong dân, tiếp xúc và hiểu dân thì phải qua tiếp công dân và đơn thư. Việc tách Vụ nếu không rõ việc lại rắc rối nên trong tình hình chung hiện nay nên giữ nguyên trên tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không nên tách Vụ mà có thể nghiên cứu chia tổ để giải quyết công việc.

Lập Vụ là không nên đâu. Muốn dân nguyện phải tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo mà tách ra rồi chuyển cho nhau lại mệt. Chỉ cần một Vụ trưởng và 2 Vụ phó điều phối”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không tán thành tách vụ Dân nguyện thành 2 Vụ. Ngoài ra cần rà soát lại biên chế để phân công theo quy định chung hiện nay./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Chia sẻ bài viết