Tiếng Việt | English

02/09/2018 - 06:45

Trở lại kênh Lò Đường

71 năm trôi qua nhưng nhiều người dân ở xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An vẫn nhắc đến vụ thực dân Pháp thảm sát 64 người dân vô tội tại kênh Lò Đường. Ngày nay, nơi đây được đầu tư xây dựng bia tưởng niệm những người đã mất trong vụ thảm sát.

Ngày đau thương

Trong kháng chiến, Bình Hòa Nam là vùng đất anh hùng, chịu nhiều mất mát, đau thương, trong đó, vụ thảm sát xảy ra 71 năm trước làm 64 người dân vô tội sống cặp kênh Lò Đường bị giết hại là minh chứng hùng hồn về sự tàn ác của kẻ thù. 

Theo lịch sử địa phương, kênh Lò Đường do con người đào năm 1940, thuộc làng Bình Hòa, tổng Cửu Cư Thượng, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An (nay thuộc ấp 1, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ). Làng Bình Hòa là một trong những làng thuộc vùng giải phóng và là khu vực trọng điểm của Quân khu Đông Thành, nơi nhiều cơ quan, đơn vị vũ trang trú đóng.

Một cây cầu bêtông mới được xây dựng trên kênh Lò Đường

Một cây cầu bêtông mới được xây dựng trên kênh Lò Đường

Vào lúc 6 giờ sáng, ngày 28/01/1947, thực dân Pháp huy động máy bay, tàu chiến bắn pháo, ném bom càn quét, hủy diệt quanh khu vực kênh Lò Đường. Chúng lùng sục vào nhà dân 2 bên bờ kênh, gom dân lại thành từng nhóm để đánh đập, tra hỏi tung tích Việt Minh. Sau đó, chúng lôi từng người ra xả súng bắn. Những người bị thương chúng dùng lưỡi lê đâm cho đến chết. Một số người ngã tại chỗ, chúng đạp cho đến chết rồi đẩy xuống kênh. Chúng đốt nhà dân, quyết không để một ai sống sót. Hễ thấy bóng người là chúng bắn, trong đó có người già, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Dã man nhất, ông Lê Chánh Ngọc bị bại liệt, khi nhà cháy, ông bò ra sân, thấy vậy, bọn chúng nhẫn tâm ném ông vào lại đống lửa để thiêu sống. Vụ thảm sát tại kênh Lò Đường, thực dân Pháp sát hại 64 người dân vô tội, gây căm phẫn cực độ trong nhân dân.

Bà Lê Thị Tánh (66 tuổi), ngụ ấp 1, nhà cặp kênh Lò Đường, cho biết: “Nhiều người là con, cháu của những người bị sát hại trong vụ thảm sát năm xưa hiện đang sinh sống ở địa phương này như gia đình ông Lê Văn Thư, Lê Văn Phò. Hàng năm, chúng tôi đều dự giỗ những người bị địch sát hại”. Ông Lê Văn Tác, ngụ ấp 1, xã Bình Hòa Nam, một trong những người biết rõ về vụ thảm sát năm xưa, kể: “Năm xảy ra vụ thảm sát, tôi 15 tuổi. Khi đó, tôi thoát chết là nhờ đi theo một người lớn sang xã Thạnh Lợi. Khi trở về, chứng kiến cảnh tượng hoang tàn, đổ nát, xác chết ngổn ngang từ trên bờ đến dưới kênh, tôi vô cùng hoảng loạn. Trong ngày khủng khiếp đó, anh trai tôi (Lê Văn Hưng), bà nội (Nguyễn Thị Vĩnh) và thím dâu (Cao Thị Nhượng),... bị địch giết hại”. Ông Tác cho biết thêm, chỉ riêng kiến họ ông, tổng cộng có 12 người bị giết hại trong vụ thảm sát đó.

Bia tưởng niệm vụ thảm sát vừa được khánh thành tháng 7/2018

Bia tưởng niệm vụ thảm sát vừa được khánh thành tháng 7/2018

Đi lên từ những mất mát

Khu vực xảy ra vụ thảm sát được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 7/2014. Để tưởng nhớ những người đã mất, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động kinh phí xây dựng bia tưởng niệm, khởi công ngày 10-3-2018 và khánh thành ngày 10/7/2018. Công trình có diện tích xây dựng 165m2 với tổng kinh phí đầu tư 794 triệu đồng, trong đó, Binh đoàn 16 hỗ trợ 500 triệu đồng. 

Có bia tưởng niệm, những người dân ở xã, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử địa phương. Chủ tịch Hội Nông dân xã - Đào Văn Hên chia sẻ: “Từ ngày bia tưởng niệm được xây dựng xong, thỉnh thoảng tôi ra đây thắp nhang. Sống cảnh thanh bình hôm nay, chúng tôi luôn tự hào về truyền thống của quê hương mình. Tôi luôn dặn lòng phải sống sao cho xứng đáng với những người đã ngã xuống”.

Còn theo chia sẻ của ông Lê Văn Tác, thời gian qua lâu rồi, giờ đây, nhắc lại vụ thảm sát ở kênh Lò Đường không phải để khơi lên lòng thù hận, căm phẫn. “Nhưng lịch sử thì chúng ta không được phép quên. Kể lại vụ thảm sát, tôi muốn thế hệ trẻ phải biết về một thời gian khổ của cha ông để ghi nhớ mà ra sức học tập, rèn luyện và sẵn sàng khi Tổ quốc cần” - ông Tác nói. 

Ông Lê Văn Tác kể lại nỗi đau về vụ thảm sát

Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Hòa Nam đồng lòng, quyết tâm khai phá vùng đất khó này. Đất không phụ công người, ngoài sản xuất lúa, nơi đây giờ trở thành vùng chuyên canh cây chanh của huyện Đức Huệ với gần 1.800ha. Từ phát triển nông nghiệp, đời sống người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Nếu như năm 2010, xã có 640 hộ nghèo (chiếm 37%) thì hiện chỉ còn 103 hộ (chiếm 5,3%). Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, trong đó, đường giao thông dù còn nhiều khó khăn nhưng được đánh giá là có sự thay đổi nổi bật nhất. Hiện, xã hoàn thành 13/19 tiêu chí nông thôn mới.

“Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chỉ so sánh với mấy năm trước, xã anh hùng Bình Hòa Nam thay đổi rất nhiều. Có được điều này, ngoài sự nỗ lực của người dân, địa phương, xã còn được sự quan tâm của tỉnh, huyện, Quân khu 7 và mạnh thường quân” - Chủ tịch UBND xã - Lê Thị Kim Ngân thông tin. 

Bình Hòa Nam hôm nay phát huy truyền thống anh hùng, tích cực phát triển, hình thành nên diện mạo mới ở một vùng quê./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết