Tiếng Việt | English

04/03/2024 - 10:17

'Trung bình chủ nghĩa' - nguồn gốc và nguyên nhân kìm hãm sự phát triển

Một trong những vấn đề thời sự dường như chưa bao giờ “nguội” là tâm lý trì trệ, sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bàn luận về thực trạng này, nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, nguyên nhân là cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật chồng chéo và sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Sâu xa hơn, chi phối mạnh mẽ đến mức ăn sâu bén rễ đó chính là hệ tư tưởng “trung bình chủ nghĩa”.

Nhận diện nguồn gốc tư tưởng “trung bình chủ nghĩa”

Tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” là muốn nói đến những người làm theo kiểu được chăng hay chớ, làm lấy lệ và tự thỏa mãn với cái tôi của ngày hôm nay. Rất tiếc, tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” đã ăn sâu vào nhiều thế hệ công dân Việt Nam.

Mấy chục năm trước đây, các thế hệ nhà giáo chân chính đi dạy học đã tìm mọi cách để giúp học sinh của mình vượt qua chủ nghĩa trung bình, thi cử chỉ cần qua môn và không phải thi lại là được, cứ như vậy thì không bao giờ trở thành người tiên phong được.

Chủ nghĩa trung bình từ trong môi trường giáo dục đã lan tỏa ra rất nhiều lĩnh vực khác, mang nặng dấu ấn của tư duy bình quân chủ nghĩa bao cấp, cào bằng của thời kỳ tiền đổi mới và lẩn tránh dưới vỏ bọc của căn bệnh thành tích.

Sự trì trệ, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết chính là biểu hiện rõ rệt nhất và cũng nguy hại nhất của tư tưởng “trung bình chủ nghĩa”. Hiện tượng làm hời hợt, hình thức, nhìn vào các trang báo cáo thì rất chỉn chu, nhìn vào các số liệu thì rất đẹp nhưng không có tính thực tiễn, sáng tạo hay đột phá nào.

Đất nước chúng ta đang bước vào chiều sâu công cuộc đổi mới với cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa tốc độ đổi mới tri thức và tốc độ rút ngắn vòng đời của công nghệ, đặc biệt là hàm lượng tri thức tích hợp trong từng sản phẩm của nền sản xuất. Vậy mà, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vẫn yên tâm, hài lòng với việc “được chăng hay chớ”?!

Một bộ phận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng không muốn vượt qua vòng an toàn, không dám thử nghiệm để tìm tòi cái mới, những hướng đi có tính đột phá, bởi vì lo sợ trách nhiệm, sợ sai, sợ “mất ghế”. Do đó, để vượt qua được tư tưởng “trung bình chủ nghĩa”, khơi dậy tinh thần sáng tạo, vượt khó, đột phá trong cán bộ, đảng viên hiện nay là một nghệ thuật trong khoa học quản lý.

Căn nguyên của hệ tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” rất sâu xa, phải xem xét trong cả quá trình lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với nền văn hóa Á Đông. Văn hóa Việt Nam bắt đầu từ nền nông nghiệp lúa nước dựa vào tự nhiên là chính. Đó là một nền nông nghiệp chỉ cầu mong sự vừa đủ, một nền kinh tế tự cấp, tự túc, luôn luôn giữ cho mình sự an toàn tối thiểu. Phần lớn coi một xã hội lý tưởng là có cuộc sống hài hòa, no ấm. Sau lũy tre làng, người ta cũng không ưa những người nổi trội, khác biệt với hàng xóm, cộng đồng xung quanh. Bây giờ những điều đó đã trôi vào quá khứ khá xa rồi nhưng hệ lụy của nó đã để lại cho nhiều thế hệ, thậm chí là những người sinh ra và lớn lên trong thế kỷ XXI. Cho nên chúng ta phải coi việc đấu tranh chống tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” là một trong những mục tiêu chiến lược của giáo dục, của quản trị xã hội. Kể cả khi chúng ta là những người cao tuổi thì cũng phải làm gương trong việc phấn đấu vượt qua chính bản thân mình của ngày hôm nay, để mỗi ngày cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Không bình thường hóa tư tưởng “trung bình chủ nghĩa”

Có một nhà khoa học đã nêu lý thuyết: Tập hợp cán bộ, đảng viên của chúng ta giống như hình bình hành, ở dưới đáy của hình bình hành là những người yếu kém nhất, ở đỉnh cao của hình bình hành là những người tiên tiến, xuất sắc nhất. Đó là trong trạng thái tĩnh, còn khi ở trạng thái động, tức là vào công việc cần phải tiến lên thì hình bình hành lập tức chuyển thành hình tam giác ngược. Lúc này, hai đỉnh chóp của những người xuất sắc nhất và những người yếu kém nhất đều tụt xuống dưới. Người yếu kém bị loại trừ đã đành bởi vì họ không đạt chuẩn nhưng ngay cả những người xuất sắc cũng bị số đông mang tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” loại trừ. Họ có thể bị loại trừ bằng phiếu bầu, sự kỳ thị, tẩy chay tập thể. Thậm chí, tư tưởng này bao vây, kìm hãm những người dám nói, dám làm, dám tìm tòi, khám phá để tạo ra cái mới và dám chịu trách nhiệm để cho cái mới tồn tại và phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Cho nên, “trung bình chủ nghĩa” phải được xem là kẻ thù không đội trời chung của sự phát triển.

Thoát ra được tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” phải cần sự nỗ lực rất lớn. Cái chính là cơ chế. Cơ chế thưởng phải thật cao cho những người làm được việc, phải trọng dụng nhân tài với chế độ đãi ngộ hợp lý; đồng thời, cũng phải rất nghiêm khắc để loại ra khỏi hệ thống chính trị những người trì trệ, lẩn tránh trách nhiệm, cơ hội chính trị.

Tại một số nước phát triển, người ta sử dụng KPI, tức là thang đo định lượng chất lượng công việc rất rõ ràng. Người làm đến đâu là trung bình, phải phấn đấu vượt lên như thế nào thì mới vượt khỏi ngưỡng nguy hiểm và chỉ có những người dám bước qua khỏi vòng an toàn, đến vị trí của những người tiên phong thì mới được tôn vinh, trọng dụng. Điều này là rất cần thiết, phải được tổ chức triển khai, thực hiên trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu chúng ta thua trong cuộc đấu tranh này, tức là để cho “trung bình chủ nghĩa” lên ngôi sẽ không bao giờ có thể thực hiện được chủ trương phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài như nghị quyết của Đảng đã đề ra./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết