Dự hội nghị tại điểm cầu hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) có Tổng Bí thư - Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước - Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư – Võ Văn Thưởng; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Liên hiệp hội, hội chuyên ngành về văn hóa nghệ thuật của Trung ương, nhà khoa học, nhà văn hóa, trí thức văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Tại điểm cầu Long An, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được chủ trì hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư - Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò lớn của văn hóa: “Văn hóa còn là dân tộc còn” (Ảnh: tuoitre.vn)
Tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Trong diễn văn khai mạc, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ “xây dựng nền văn hóa mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Người cũng đề cao sứ mệnh của văn hóa, nghệ thuật trong xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 75 năm sau, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thấm nhuần lời dạy và kế thừa tư tưởng của Bác về “công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”, văn hóa luôn là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Long An
Nhiều chủ trương, đường lối, chính sách về văn hóa, văn nghệ đã được ban hành, trong đó dấu mốc quan trọng là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” thực sự là kim chỉ nam định hướng cho hoạt động của ngành văn hóa trong những năm qua và thời gian tới.
Sau 35 năm đổi mới, bức tranh tổng thể của văn hóa mang những sắc thái mới, đa dạng và năng động hơn, đáng chú ý là sự đa dạng hóa về các chủ thể văn hóa, sự chuyển đổi từ nguồn lực đơn tuyến của Nhà nước cho văn hóa đến sự nhập cuộc, hiệp lực và phối hợp đa chiều, đa thành phần từ nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội cho các hoạt động văn hóa. Đời sống văn hoá ở cơ sở đã có bước phát triển, thu hút đông đảo quần chúng lao động tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ văn hoá. Các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống được phục hồi và tổ chức với sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” có kết quả rõ rệt. 35 năm qua, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, tạo cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; huy động được nhiều nguồn lực giữ gìn di sản văn hóa truyền thống, nhất là một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay,…
Hội nghị nhận được hơn 150 tham luận. Các tham luận của các địa phương, chuyên gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học,… nhằm khẳng định rõ hơn vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa. Bên cạnh đó, các tham luận cũng “hiến kế” định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức của con người Việt Nam thời đại mới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư – Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bản thân rất vui mừng, phấn khởi, hào hứng khi dự hội nghị lần này. Tổng Bí thư chúc mừng, biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong thời gian qua. Tổng Bí thư khẳng định vai trò lớn của văn hóa: “Văn hóa còn là dân tộc còn”.
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư nêu rõ: Trước hết, cần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thứ hai là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.
Thứ ba, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.
Thứ tư, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.
Thứ năm, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta, hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
Thứ sáu, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Hội nghị là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Song Nhi