Di sản Tư liệu Thế giới Châu bản triều Nguyễn thể hiện rõ hoạt động bảo đảm an ninh vùng biển Quảng Nam-Đà Nẵng thời Nguyễn. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Trong các vua triều Nguyễn, chính sách quản lý vùng biển đảo Hoàng Sa của triều Minh Mệnh khá toàn diện và tương đối chặt chẽ, từ xây dựng hệ thống bản đồ, lập bia cắm mốc đến việc thường xuyên cử đội thuyền ra các đảo, thực hiện việc cứu hộ các tàu buôn nước ngoài…
Theo những tài liệu còn để lại, đặc biệt là kho Châu bản hiện còn, có thể khẳng định rằng, Minh Mệnh là vị vua cho công bố nhiều văn bản Nhà nước về việc quản lý vùng biển, đảo Hoàng Sa nhất.
Quan tâm, chú trọng đến vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia
Vào thời Minh Mệnh, ba vùng biển Việt Nam được thể hiện sinh động trên Cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu. Đó là hình ảnh sông nước nhấp nhô, ẩn hiện nhiều đảo lớn nhỏ. Chính giữa hình ảnh là đại tự khắc nổi ghi tên mỗi vùng biển: Đông Hải, Nam Hải, Tây Hải.
Cùng với đó, vua Minh Mệnh đã cho xây cả một hệ thống bố phòng trên bờ biển và trên đảo. Ở những nơi bờ biển xung yếu hoặc gần kinh đô, triều đình cho xây hàng loạt các pháo đài canh phòng và không ngừng tăng cường phòng thủ.
Vua cũng thường cử các đội đi thăm dò, tuần thám các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa kiêm đội Bắc Hải được trao nhiệm vụ khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và làm nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo tài liệu còn để lại, đặc biệt là kho Châu bản triều Nguyễn còn lưu lại đến ngày nay thì vua Minh Mệnh không chỉ là người chủ trương vươn ra biển, đảo mà còn là người trực tiếp kiểm tra giám sát việc thực hiện hết sức cụ thể, với nhiều bản chỉ đạo việc đo vẽ bản đồ, cắm mốc hải giới, trồng cây, xây miếu thờ trên Hoàng Sa nhằm khẳng định chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của đất nước.
Cho đến nay đã phát hiện được 14 văn bản triều Minh Mệnh liên quan đến Hoàng Sa, ghi chép lại trên các hình thức công văn khác nhau bao gồm: Tấu, Phúc tấu, Dụ (Tấu là các bản tâu trình của viên quan phụ trách ở các địa phương, ở các Bộ lên nhà vua đương trị vì; Phúc tấu là bản tâu lần thứ hai (hoặc lần thứ ba) của địa phương và các Bộ sau khi đã sửa chữa, bổ sung theo ý chỉ Nhà vua; Dụ là bản chỉ thị của nhà vua ban xuống cho các địa phương, các Bộ xem xét những việc cần bàn bạc hay thực thi những việc mà nhà vua đã chuẩn y).
Trực tiếp chỉ đạo việc đo, vẽ bản đồ biển đảo
Hằng năm, nhà Nguyễn đều cử người ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc và vẽ bản đồ. Để có thể quản lý chặt chẽ lãnh hải, biển đảo, vua Minh Mệnh đã phái người trực tiếp đến vùng biển đảo Hoàng Sa thực hiện việc đo vẽ, bổ sung những khiếm khuyết trong lịch sử, hình thành nên một hệ thống bản đồ chi tiết.
Triều thần theo ý chỉ nhà vua nhấn mạnh việc thám sát, đo vẽ cần được thực hiện toàn diện, tránh bỏ sót về địa hình tự nhiên, cự ly, kích thước của các hòn đảo, dù to hay nhỏ... "Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xem xét xứ ấy, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và bốn biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào, căn cứ vài thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại, từ xứ ấy trông vào bờ, đối thẳng là tỉnh nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào... Nhất nhất nói rõ, đem về tâu trình.''
Học sinh trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận tìm hiểu về lịch sử, chủ quyền của Việt Nam qua Triển lãm bản đồ "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý". (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Trong số các văn bản Châu bản triều Nguyễn về Hoàng Sa, có rất nhiều văn bản đề cập đến hoạt động này. Chẳng hạn như Châu bản triều Nguyễn ngày 21/6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) có nội dung: "Bộ Công tâu trình đoàn đi khảo sát Hoàng Sa lần này có Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá là người của Bộ. Đoàn khảo sát được 25 đảo thuộc vùng thứ 3, vẽ được 4 bản đồ mang về (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung). Bộ Công tâu xin cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình.
Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838) do Bộ Công trình tấu về kết quả khảo sát Hoàng Sa. Theo tài liệu này thì hàng năm các đoàn đi khảo sát các xứ ở Hoàng Sa, mỗi năm đoàn khảo sát được 12 hòn đảo. Nếu cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 1833 thì đến năm 1838, các đoàn đã khảo sát được 85 hòn đảo…
Đồng thời với việc đo đạc, vẽ bản đồ, triều Minh Mệnh còn thường xuyên tiến hành cắm mốc để khẳng định chủ quyền lãnh hải và biển đảo quốc gia. Vào năm 1823, Minh Mệnh đã cho lập bia xác định chủ quyền trên Hoàng Sa.
Trong Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), Bộ Công có phúc trình: Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần trong đó có Châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài khắc sâu dòng chữ to: Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính Thân, các viên Cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu.”
Theo Châu bản này, viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật. Nội dung chính của Châu bản là xin triều đình chuẩn bị gấp số cột gỗ để đội thuỷ quân lên đường đúng lịch trình.
Điều thú vị của Châu bản này là dòng chữ do nhà vua Minh Mệnh viết bên cạnh chữ mộc bài với nội dung ghi rõ “cột gỗ, mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dầy 1 tấc”. Văn bản này hiện được lưu trữ tại Ủy ban biên giới quốc gia. Điều này thể hiện chính sách và sự quan tâm sâu sắc của triều đình đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Không chỉ sử dụng gỗ để làm cột mốc, mà triều Nguyễn còn sử dụng cả những vật liệu chắc bền như gạch, đá để cột mốc chủ quyền được lưu giữ lâu dài. Năm 1834, vua Minh Mệnh đã sai binh lính đi dựng miếu thờ thần và lập bia ở đảo Hoàng Sa, nhưng vì sóng to gió lớn không làm được, nên vào tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), sai Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu, lập bia đá đảo Hoàng Sa.
Nhằm khuyến khích thủy thủ, dân binh các đội thuyền ra công tác tại Hoàng Sa, vua Minh Mệnh đã thực hiện ban thưởng rất ưu đãi và kịp thời. Trong nhiều bản Dụ chỉ đều nhắc nhở phải lưu ý trọng thưởng bằng lương hoặc tiền, vì: ''binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa... lặn lội biển cả cực khổ''. Đối với các thuyền chuyên chở dân binh ra Hoàng Sa đều được miễn thuế cả năm. Bên cạnh ban thưởng, triều Minh Mệnh cũng thực hiện nghiêm túc việc trách phạt những viên chỉ huy hoặc thủy thủ chưa làm tốt chức nhiệm được giao như khởi hành chậm trễ, vẽ họa đồ chưa chu tất...
Có trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn
Qua các Châu bản này, triều Nguyễn còn tỏ ra là một quốc gia biển rất có trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Châu bản triều Nguyễn ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) có nội dung: “Ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), quan Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng là Nguyễn Văn Ngữ tâu trình việc chủ thuyền buôn người Pháp Đô-ô Chi-ly cùng phái viên người Việt Lê Quang Quỳnh đi buôn bán ở Lữ Tống (Philippine) gặp nạn tại Hoàng Sa. Thủ ngự Nguyễn Văn Ngữ được báo đã sai thuyền tuần tiễu cứu họ.”
Câu chuyện cũng như bút tích châu bản cho thấy, những công vụ và quan hệ bang giao cũng như buôn bán quốc tế có liên quan đến biển, đảo Hoàng Sa thời đó được quan tâm và thực thi nhanh chóng bởi chính quyền phong kiến nhà Nguyễn.
Về việc thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, sách “Đại Nam thực lục” có ghi: “Mùa đông, tháng 12, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), thuyền buôn Anh Cát Lợi đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm; hơn 90 người đi thuyền tam bản đến bờ biển Bình Định. Vua được tin, ban dụ cho các quan đầu tỉnh sắp xếp nơi trú ngụ, hậu cấp tiền và gạo cho họ. Lại phái thị vệ thông ngôn đến dịch lời thăm hỏi, tuyên chỉ ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt...
Ngoài ra, nhà vua còn sai thưởng cho thuyền trưởng và đầu mục, mỗi người 1 áo đoạn vũ hàng màu, 1 quần vải tây và 1 chăn vải; các người tùy tùng mỗi người 1 bộ áo quần bằng vải màu. Ban sắc sai Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giải đưa họ sang bên tàu Hạ Châu, cho về nước.”
Những tờ châu bản trên là tài liệu gốc chứa đựng nhiều thông tin quý giá khẳng định Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các hoạt động do Nhà nước tổ chức, với sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua.
Những văn bản này cũng chứng tỏ dưới thời vua Minh Mệnh, việc mở mang lãnh hải, xác định chủ quyền biển, đảo đất nước đã được kế thừa và phát huy hết sức hiệu quả mà không phải vị vua triều Nguyễn nào cũng làm được. Nhờ những công lao to lớn ấy của vua Minh Mệnh, hiện nay chúng ta có thêm nhiều bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và là bài học quý báu cho chúng ta cũng như các thế hệ mai sau trong việc bảo vệ và giữ gìn biên cương lãnh hải của Tổ quốc./.
Theo vietnamplus.vn
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/vi-vua-cho-cong-bo-nhieu-van-ban-nha-nuoc-ve-quan-ly-vung-bien-dao-hoang-sa-post921943.vnp