Nhà tình báo xuất sắc
Hơn 1 năm trước, anh gọi điện cho tôi, nói anh đang viết cuốn sách về người thầy của anh, tướng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc). Anh đề nghị tôi tập hợp loạt ký sự "Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng" (đăng trên Thanh Niên năm 2004) để in thành sách, anh sẽ bổ sung thông tin về hoạt động của vị tướng lỗi lạc này sau năm 1975. Anh muốn hai cuốn sách phát hành cùng một lúc để kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Ba Quốc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ký tặng sách Người thầy tại buổi giao lưu với độc giả sáng 11/3/2023
Nghe giọng nói của anh vẫn hào sảng, tôi thật sự vui mừng. Đến khi đưa bản thảo đầu tiên cho tôi xem, thấy anh không khỏe, tôi hỏi về sức khỏe của anh, anh nói anh đã bị ung thư giai đoạn cuối, đã 30 lần xạ trị. Lúc đó tôi mới biết anh đã hoàn thành cuốn sách với một nỗ lực phi thường. Anh nói, cuộc đời hoạt động của ông Ba Quốc, giai đoạn trước năm 1975 đã có cuốn sách của chúng tôi, tường thuật tương đối đầy đủ và rất ấn tượng. Anh muốn cho công chúng biết cuộc đời hoạt động của ông Ba Quốc từ sau năm 1975 cũng lừng lẫy không kém gì giai đoạn trước năm 1975 nhưng công chúng chưa hề biết. Anh nói hai cuốn sách sẽ bổ sung cho nhau.
Sinh thời, ông Ba Quốc không muốn cho truyền thông biết về cuộc đời của ông. Nhờ có anh "bảo lãnh", chúng tôi mới được ông Ba Quốc đồng ý cho viết. Nhưng sau năm 1975, hỏi ông làm những gì thì ông không nói. Nhờ cuốn sách của anh mà lần đầu tiên công chúng mới biết một cách có hệ thống toàn bộ cuộc đời của nhà tình báo bí ẩn này. Cuốn sách không chỉ là sự tưởng nhớ của người học trò xuất sắc đối với người thầy kiệt xuất, mà còn gián tiếp nhắc nhở đồng đội anh và các thế hệ những người làm tình báo mai sau, rằng làm tình báo phải kiên trung chính trực, một tin tức sai là gây hại cho nước, cho dân không thể sửa chữa, rằng những kẻ háo danh không thể làm tình báo được, rằng làm tình báo mà không có tình quân dân, không có tình đồng đội, vì "khẩu vị" của cấp trên mà bẻ cong sự thật thì trước sau gì cũng phản trắc. Cuốn sách của anh cũng góp phần lưu giữ, lưu truyền những di sản vô giá trong kho tàng nghệ thuật chính trị - quân sự VN.
Anh là con trai duy nhất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Khi cha anh qua đời, anh còn thơ dại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo rất quan tâm đến anh. Anh đã trưởng thành trong lòng yêu thương ấm áp đó. Là "hạt giống đỏ", nhưng anh không dựa dẫm để được thuận lợi thăng tiến, mà chỉ "dựa dẫm" vào các vị lãnh đạo để xin được ra chiến trường, để đến nơi gian khổ nhất. Chưa đủ tuổi, anh đã "khai gian" tuổi để đi vào chiến trường và trưởng thành trên mặt trận thầm lặng nhưng hết sức cam go của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước. Sau nhiều năm trui rèn cùng người thầy Ba Quốc trên chiến trường Campuchia đánh đuổi bè lũ diệt chủng Pol Pot, anh trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quốc phòng. Giúp ban lãnh đạo đất nước điều chỉnh đường lối chiến lược, bảo đảm ổn định chính trị và tăng khả năng phòng thủ của đất nước, có sự đóng góp quan trọng của Tổng cục Tình báo quốc phòng do anh làm Tổng cục trưởng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Là "hạt giống đỏ", nhưng anh không dựa dẫm để được thuận lợi thăng tiến, mà chỉ "dựa dẫm" vào các vị lãnh đạo để xin được ra chiến trường, để đến nơi gian khổ nhất. |
Cùng với tướng Ba Quốc, người thầy của anh, anh là người có công lao đặc biệt trong việc triệt phá hệ thống gián điệp dày đặc được sự tiếp tay của các nước lớn, giúp củng cố chính quyền nhân dân Campuchia và giúp đất nước này hồi sinh sau họa diệt chủng, bảo vệ vững chắc biên giới phía nam của Tổ quốc và là người chỉ huy các điệp viên anh hùng thế hệ mới.
Người đề xuất "4 không" và "1 tùy"
Khi trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, anh được thế giới biết đến là một nhà quân sự kiên định nhưng mềm dẻo, không né tránh những vấn đề gai góc trong quan hệ quốc tế. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người tham mưu quyết liệt với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng, đưa Cảng Cam Ranh vào hoạt động, là người được giao khởi thảo Chiến lược quốc phòng VN, cẩm nang để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chính sách quốc phòng "4 không" và "1 tùy", nay trở thành một chính sách được công khai trong Sách trắng quốc phòng, ra đời từ sự đề xuất của anh.
"4 không" là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ VN để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
"1 tùy" là: Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, chúng ta sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Như một kiến trúc sư của sự hợp tác an ninh trong khu vực, tướng Nguyễn Chí Vịnh đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus) đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2010. Anh đã không mệt mỏi thúc đẩy đối thoại, bồi đắp lòng tin giữa các quốc gia trong nỗ lực hóa giải những thách thức đối với khu vực.
Một trong những thách thức lớn nhất trong 12 năm tướng Nguyễn Chí Vịnh làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là vấn đề Biển Đông. Với sự nhạy bén cố hữu của một nhà hoạt động tình báo, anh đã có đóng góp quan trọng cho ban lãnh đạo đất nước và Bộ Quốc phòng ứng phó với những vấn đề địa chính trị phức tạp để bảo vệ thành công mọi lợi ích của VN tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
Một người lính đến cuối đời
Từ lời dặn của cha anh muốn anh thành một "binh bét" trong quân đội, anh đã sống, chiến đấu và làm việc không mệt mỏi cho đến cuối đời với tư cách một người lính, chính trực và liêm chính. Anh được đồng chí, đồng đội và học trò yêu thương kính nể, dù anh ở cương vị nào, dù đương chức hay đã về hưu.
Sức khỏe không cho phép anh kịp làm những gì anh còn nung nấu. Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, ngoài viết cuốn sách Người thầy, anh còn cùng với gia đình xây dựng bảo tàng Nguyễn Chí Thanh. Là một bảo tàng về một vị đại tướng kiệt xuất lừng danh của đất nước, nhưng đây là một bảo tàng ngoài công lập. Anh nói: "Các thành viên trong gia đình đóng góp để xây dựng bảo tàng với quy mô tối thiểu, không thu tiền bên ngoài hay xin kinh phí từ Nhà nước. Về chức năng của bảo tàng, gia đình cũng không có ý định tôn vinh thêm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà chỉ kỳ vọng bảo tàng sẽ đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của đất nước và quân đội". Bảo tàng đã mở cửa thử nghiệm đón khách vào tháng 7 vừa rồi và dự kiến sẽ chính thức khai trương vào ngày 1.1.2024 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng, nhưng anh đã không đợi được tới ngày đó.
Tôi không có nhiều kỷ niệm với anh. Nhưng tôi không bao giờ quên được sự tin cậy của anh dành cho tôi. Đó là khi anh làm Tổng cục trưởng Tổng cục 2, đã "xúi" chúng tôi viết những loạt bài về các nhà tình báo, anh đã không xem trước khi báo đăng, sau khi báo đăng anh gặp tôi, chỉ nói vui: "Nhờ anh mà tôi tuyển tình báo rất dễ". Người ta thường nói, làm tình báo thì nhìn đâu cũng thấy địch. Nhưng đối với Nguyễn Chí Vịnh thì không, anh nhìn đâu cũng thấy tình người, anh nhìn đâu cũng thấy sự tin cậy giữa con người với con người.
Xin vĩnh biệt anh. Nhưng anh không bao giờ chết trong lòng đồng đội, không bao giờ chết trong lòng những người làm báo chúng tôi./.
Theo Thanh niên