Kỳ 3: Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Sinh hoạt chi bộ là một trong những hoạt động chủ yếu, có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo của Đảng. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của công tác xây dựng Đảng (XDĐ), cấp ủy Đảng các địa phương luôn nỗ lực đổi mới phương pháp, cách làm nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Chi bộ là nền móng của Đảng
Phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh Long An luôn đoàn kết, bền gan vững chí, cùng ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Từ đó, KT-XH không ngừng phát triển, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Đạt kết quả ấy là do Đảng bộ tỉnh chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, XDĐ vững mạnh từ cơ sở. Các TCCSĐ luôn xem “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì việc sẽ tốt”; “Muốn chi bộ phát triển tốt thì cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng chi bộ” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.
Tham gia sinh hoạt chi bộ ấp, khu phố giúp các đồng chí cấp ủy viên, lãnh đạo các ban xây dựng Đảng cấp tỉnh nắm bắt tình hình hoạt động ở cơ sở (Trong ảnh: Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn dự sinh hoạt Chi bộ ấp Cầu Tràm, xã Long Trạch, huyện Cần Đước)
Nhận thức sâu sắc TCCSĐ là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 258-QĐ/TU, ngày 19/5/2021 về việc cấp ủy viên, lãnh đạo các ban XDĐ cấp tỉnh dự sinh hoạt chi bộ ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Phó Trưởng ban Tổ chức (BTC) Tỉnh ủy - Lê Quốc Gấm, việc tổ chức triển khai, thực hiện Quy định số 258-QĐ/TU tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy, chi bộ trong tổ chức sinh hoạt chi bộ, giúp các đồng chí cấp ủy viên, lãnh đạo các ban XDĐ cấp tỉnh nắm bắt tình hình hoạt động ở cơ sở để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Từ đó, cùng cấp ủy, chi bộ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Chất lượng sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp, hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho ĐV chi bộ ấp, khu phố ý thức và chủ động hơn trong sinh hoạt chi bộ, tạo mối quan hệ gắn kết mật thiết giữa cấp trên và cơ sở.
Bên cạnh kết quả đã đạt, việc tổ chức sinh hoạt của một số chi bộ còn hình thức, chưa thiết thực. Nội dung sinh hoạt chưa được chuẩn bị kỹ và đầy đủ; chưa quan tâm gợi ý các nội dung trọng tâm cần thảo luận; chủ yếu tập trung kiểm điểm công tác chuyên môn, chưa coi trọng đánh giá, kiểm điểm công tác XDĐ. Nội dung sinh hoạt chuyên đề còn chung chung, ĐV tham gia ý kiến chưa nhiều. Báo cáo sinh hoạt chuyên đề chưa phân tích, đánh giá đúng, đầy đủ, cụ thể những hạn chế, nguyên nhân nên việc đề ra giải pháp để giải quyết vấn đề chưa rõ. Nguyên nhân là việc xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề chưa được quan tâm đúng mức; phương pháp điều hành sinh hoạt của một số bí thư chi bộ thiếu linh hoạt.
Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và ĐV, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 2261-CV/TU, ngày 02/02/2024 về việc tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm quy định cấp ủy viên, lãnh đạo các ban XDĐ cấp tỉnh dự sinh hoạt chi bộ ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh có nhiều mô hình thiết thực góp phần xây dựng các chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tiêu biểu như mô hình Nâng cao chất lượng lãnh đạo, điều hành của cấp ủy chi bộ và hiệu quả sinh hoạt chi bộ; xây dựng hệ thống biểu mẫu hỗ trợ cơ sở thực hiện công tác tổ chức XDĐ của BTC Huyện ủy Vĩnh Hưng; Sinh hoạt chi bộ mẫu của BTC Huyện ủy Thạnh Hóa; Tổ theo dõi, đôn đốc công tác phát triển ĐV, các thành viên bao gồm các cơ quan: BTC Huyện ủy, Huyện đoàn, Hội Nông dân, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ huy Quân sự huyện,... do BTC Huyện ủy Đức Huệ tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện; Sinh hoạt chi bộ vào ngày chủ nhật cho ĐV là công nhân, ĐV làm ăn xa (huyện Cần Giuộc);...
|
Nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng
Thời gian qua, các TCCSĐ trong tỉnh luôn đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các chi bộ thường xuyên chú trọng công tác triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, hướng dẫn của cấp trên về chi bộ và sinh hoạt chi bộ, nhất là Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.
Xác định nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là hoạt động thường xuyên, quan trọng, BTC Huyện ủy Cần Đước triển khai, thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 12-HD/BTCTU của BTC Tỉnh ủy.
Huyện Cần Đước chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nhằm nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình của đảng viên
Trưởng BTC Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: “BTC Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quy định số 11-QĐ/HU về khung tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ. Việc đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ căn cứ chủ yếu vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ của chi bộ; đồng thời, kết hợp chấm điểm kết quả thực hiện 5 nhóm tiêu chí: Tỷ lệ ĐV dự sinh hoạt chi bộ; công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ; tổ chức sinh hoạt chi bộ; thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; kết quả lãnh đạo thực hiện kết luận hoặc nghị quyết của chi bộ”.
Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ là tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại chất lượng chi bộ, ĐV. Việc tự đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ hàng tháng giúp các chi bộ phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Từ đó, góp phần cho sinh hoạt Đảng ngày càng có chất lượng hơn, thiết thực, phù hợp tình hình thực tế của chi bộ.
“Trong năm 2023, BTC Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy cơ sở Đảng, các chi bộ trực thuộc thực hiện quyết liệt các giải pháp: Cấp ủy và bí thư chi bộ phải nhận thức đúng về nội dung, chất lượng sinh hoạt chuyên đề; xây dựng kế hoạch và lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề; phân công ĐV chuẩn bị chuyên đề phải chu đáo, kỹ lưỡng; tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề đúng quy định” - ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết thêm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng”, “Chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”. Sinh hoạt chi bộ có vai trò và tác dụng rất quan trọng, bảo đảm cho chi bộ và mỗi ĐV thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Vì vậy, củng cố và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là vấn đề thường xuyên, không thể thiếu. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, công tác, tu dưỡng, rèn luyện, tinh thần tự phê bình và phê bình của người ĐV, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng các chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh./.
(còn tiếp)
Ngọc Mận - Huỳnh Hương
Kỳ cuối: Xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng