Tiếng Việt | English

31/07/2023 - 11:39

Xóm Trầu - Căn cứ cách mạng lòng dân

Huyện Bến Lức vừa được công nhận thêm 1 di tích lịch sử cấp tỉnh - Di tích lịch sử Xóm Trầu (ấp 4, xã Thạnh Đức) nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Ở đó, bộ đội, du kích dựa vào dân, cùng nhau bước qua những năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Thanh Phong gọi Xóm Trầu là "căn cứ cách mạng lòng dân".

Dấu ấn lịch sử của xóm Trầu

Theo người dân địa phương, Xóm Trầu xưa có dòng kênh nhỏ bao quanh, cây cối rậm rạp và ở cạnh bên lộ 4 (nay là Quốc lộ 1 - con đường huyết mạch chia cắt tỉnh Long An thành 2 phần). Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, người dân Xóm Trầu đã một lòng hướng về cách mạng, nhiều người trở thành “hạt giống đỏ” xây dựng phong trào cách mạng tại địa phương.

Di tích lịch sử Xóm Trầu bên cạnh chùa Gia Phước

Trong những năm kháng chiến, Xóm Trầu là địa danh quan trọng của ta: Nơi diễn ra cuộc họp thành lập Quận ủy đầu tiên của quận Thủ Thừa; nơi tập kết, trung chuyển vũ khí trong tuyến hành lang chiến lược của ta,... Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Xóm Trầu là địa điểm họp thành lập Ban Chỉ đạo khởi nghĩa quận Thủ Thừa; nơi lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ trên địa bàn Trung Quận (nay là Bến Lức), Thủ Thừa và Tân An. Trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Xóm Trầu đào hầm bí mật để bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ lãnh đạo ở địa phương.

Cũng tại Xóm Trầu, nhiều cán bộ cách mạng ta nêu cao tấm gương anh dũng, một lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong đó có thể kể đến Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Văn Vịnh - Đội trưởng Đội vận chuyển vũ khí gan dạ, mưu trí chỉ huy 6 chiến sĩ chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đẩy lùi các đợt tấn công của địch, tiêu diệt và làm bị thương 47 lính Mỹ và bảo vệ an toàn cho 20 tấn vũ khí đang cất giấu tại Xóm Trầu; liệt sĩ Nguyễn Thị Cúc - bất chấp đòn roi tra tấn của kẻ thù, giữ tròn khí tiết người đảng viên cộng sản, một lòng bảo vệ đồng chí, bảo vệ Đảng và phong trào cách mạng. Trước lúc hy sinh tại chùa Đức Hòa (nay là chùa Gia Phước), đồng chí đã hô to: “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Hồ Chí Minh muôn năm”.

Căn hầm bí mật được phục hồi lại tại di tích lịch sử Xóm Trầu

Di tích xóm trầu hôm nay

Năm 1969, địch đánh phá ác liệt làm chiến trường Bến Thủ bị chia cắt. Đồng chí Phạm Thanh Phong khi ấy là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Bến Thủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng liên xã, cùng một số đồng chí khác trú ẩn, lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương trong căn hầm bí mật ở Xóm Trầu. Thời điểm đó, đồng chí phụ trách chung công tác củng cố phong trào cách mạng tại cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang trong quần chúng nhân dân và tổ chức những trận đánh chống địch càn quét vào thôn, xóm,... tại khu vực ấp 2, 3, 4, 5 của xã Bình Đức, xã Bình Thành, xã Nhị Bình.

Di tích lịch sử Xóm Trầu được cải tạo, nâng cấp vào năm 2023

Nhắc về những tháng ngày hoạt động tại Xóm Trầu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Thanh Phong nói: “Tôi về ở thường xuyên tại Xóm Trầu từ năm 1969 đến năm 1971. Xóm Trầu có địa thế rất quan trọng, là nơi bám trụ của bộ đội huyện, du kích xã để bảo vệ hành lang chiến lược của ta (vận chuyển vũ khí, lương thực, thông tin liên lạc), chống các cuộc bình định của địch.

Xóm Trầu là cái nôi cách mạng, che chở cán bộ. Dù địch đánh phá, đóng nhiều đồn bót nhưng nhân dân vẫn bám trụ lại bảo vệ cho anh em giao liên, bảo vệ cho cách mạng. Đặc điểm của Xóm Trầu là vậy!”. Kể về Xóm Trầu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy nói rằng, ông có thể nói suốt buổi vẫn chưa hết chuyện. Ông nhớ rõ từng cái tên, từng gia đình đã giúp đỡ, chở che cho cách mạng ở Xóm Trầu ngày ấy. Căn hầm bí mật ông trú ẩn năm xưa được phục hồi để ghi dấu về một thời kỳ chiến tranh ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng trên quê hương Bến Lức.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh khẳng định, Xóm Trầu là địa danh ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng; “chứng kiến” quá trình chiến đấu và hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng tộc, thống nhất nước nhà. Để truyền thống lịch sử - văn hóa của thế hệ cha anh năm xưa được khơi dậy, phát huy, nhiệm vụ của thế hệ sau là kế thừa, bảo tồn những giá trị góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.

Năm 2023, UBND huyện Bến Lức đầu tư, cải tạo, nâng cấp giúp Di tích lịch sử Xóm Trầu khang trang hơn, người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu hơn, từ đó, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng tại địa phương./.

Nguyễn Văn Hiếu - Mộc Châu

Chia sẻ bài viết