Tiếng Việt | English

06/03/2016 - 04:01

“Một vợ, một chồng” vẫn còn kẽ hở

Bộ luật Hình sự chỉ quy định xử phạt người vi phạm chế độ một vợ, một chồng, nhưng những người ngoại tình chung sống với nhau lại không bị xử lý.

Điều 182 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 quy định cụ thể hơn về các trường hợp phạm tội bị xử lý khi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Nhưng người dân cho rằng, trên thực tế việc xử lý vi phạm vẫn rất khó khăn.

Luật vẫn còn kẽ hở

So với Bộ luật Hình sự đang được áp dụng, Bộ luật Hình sự có hiệu lực vào tháng 7 tới không có sự thay đổi về khung hình phạt quy định ở “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng”.

Để chứng minh người có vợ, có chồng chung sống như vợ chồng với người khác là chuyện không đơn giản.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự mới này quy định cụ thể hơn về các trường hợp phạm tội bị xử lý. Cụ thể: Điều 182, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” nêu rõ: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.

Chị Hoàng Thị Tuyết (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, trong Bộ luật Hình sự mới và cũ chỉ quy định xử phạt người vi phạm chế độ một vợ, một chồng khi đã kết hôn mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa kết hôn mà chung sống với người đã có vợ, có chồng. Còn những người ngoại tình mà không chung sống với nhau (chiếm số đông) lại không bị xử lý. Như vậy, pháp luật vẫn còn kẽ hở. Còn với những vi phạm quy định rõ ràng trong pháp luật chị Tuyết cho rằng phải được xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn đe. Anh Nguyễn Văn Hoàng (quận 1, TP.HCM) băn khoăn, luật chỉ xử lý những vụ ngoại tình chung sống với nhau, còn người ta ngoại tình mà không chung sống với nhau chắc không bị xử lý. Hơn nữa, để chứng minh người có vợ, có chồng chung sống như vợ chồng với người khác là chuyện không đơn giản.

Đã luật hóa thì phải được thực thi trong cuộc sống

Chị Nguyễn Thị Lan, Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho rằng, việc xử lý hình sự tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã được quy định ở Bộ luật Hình sự hiện hành nhưng việc xử lý người vi phạm còn quá ít nên luật có cũng như không. “Ở quê tôi không ít gia đình sinh con một bề, người chồng đã đi kiếm thêm con từ người phụ nữ khác. Người lén lút không nói làm gì nhưng có ông ngang nhiên chung sống với hai người phụ nữ, dù chính quyền địa phương biết nhưng không thấy xử lý. Còn người vợ cũng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, bởi nếu ly hôn thường phải ra đi với hai bàn tay trắng. Theo tôi, khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, việc xử lý vi phạm cần được thực hiện nghiêm minh hơn mới có tác dụng răn đe. Ngoài ra, cần bổ sung thêm hình phạt, người vi phạm chế độ một vợ một chồng dẫn tới gia đình tan đàn xẻ nghé khi ly hôn sẽ phải để lại ít nhất là một nửa tài sản được chia cho người vợ, và việc nuôi con khi ly hôn do người vợ quyết định” - chị Lan bày tỏ.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP HCM nhận xét, Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung một số tình tiết luật tội, luật hóa những quy định đã có trước đó. Những sửa đổi, bổ sung làm cho luật mang tính răn đe, trừng phạt cao hơn, góp phần ngăn ngừa tình trạng vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Dù luật mới rõ ràng hơn nhưng tính khả thi hay không lại phụ thuộc vào việc tuân thủ pháp luật của người dân và của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ông Hậu cho biết, khi áp dụng luật hiện hành thực tế có những trường hợp người chồng ngoại tình, chung sống như vợ chồng với người khác, khi có con riêng đã yêu cầu người vợ ly hôn để hợp thức hóa quan hệ hôn nhân với người tình. Người vợ vì nhiều lý do không muốn ly hôn. Khi người chồng khởi kiện ra tòa, tòa vẫn chấp nhận yêu cầu ly hôn của người chồng và người chồng cũng không bị xử lý hình sự. Vì thế, ông Hậu cho rằng, Bộ luật Hình sự mới cần có hướng dẫn cụ thể hơn để cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan thực thi pháp luật dễ thực thi trong cuộc sống. Ngoài xử lý hình sự, theo ông Hậu, luật mới cần nâng mức xử phạt hành chính tội vi phạm chế độ một vợ một chồng./.

Minh Thư/Báo VOV

Chia sẻ bài viết