Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất tại nhiều cơ quan, đơn vị dẫn tới việc không đạt được các chỉ tiêu về tỷ lệ phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị. Phụ nữ vẫn phải đối mặt với rào cản về khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu và quá trình bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trịn do Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Oxfam Việt Nam tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội.
Chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lãnh đạo nữ
Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho biết bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau... thông qua đó, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực.
Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy manh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.”
Chính phủ đã cụ thể hóa mục tiêu trên bằng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với các chỉ tiêu cụ thể, trong đó có các chỉ tiêu về tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Theo bà Loan, nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho thấy Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực.
“Đối với lĩnh vực chính trị đã có những điểm sáng mới như lần đầu tiên có 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị, có chủ tịch Quốc hội là nữ. Với tỷ lệ 26,8% nữ đại biểu Quốc hội, Việt Nam xếp thứ 71/193 quốc gia trên toàn thế giới, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của thế giới đang là 25%; lần đầu tiên có nữ tham gia Ủy viên thường trực của Ủy ban quốc phòng an ninh của Quốc hội; tới thời điểm này có 9/63 nữ Bí thư tỉnh, thành ủy...,” bà Trần Thị Bích Loan nói.
Mặc dù bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ngày càng được chú trọng hơn nhưng trong quá trình rà soát tổng kết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 cho thấy hầu hết các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng, là lãnh đạo chủ chốt... chưa đạt kế hoạch đề ra.
Các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này, đó là do định kiến giới vẫn còn tồn tại, sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng mức cho công tác bình đăng giới. Ngoài ra, hệ thống các chỉ tiêu có sự khác nhau và chỉ tiêu đề ra khá cao (35%) gây nên những khó khăn cho quá trình thực hiện, trong khi các khâu của công tác cán bộ vẫn còn thiếu đồng bộ.
Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ. Khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu cũng tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Cùng lúc, chưa có những quy định cụ thể trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu vê công tác cán bộ nữ trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia của Tổ chức Oxfam Việt Nam chỉ ra rằng nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp vẫn đang chủ yếu do nam giới đảm nhiệm, cán bộ nữ thường chỉ giữ vai trò cấp phó, tham mưu, giúp việc. Điều này đã hạn chế về quyền và khả năng đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung.
Chỉ tiêu mới phải mang tính toàn diện
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, mặc dù công tác cán bộ nữ đã có những chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước, song nhìn chung vẫn còn khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị. Tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ.
Trước thực tế đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 để trình Chính phủ với những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị.
Đóng góp vào dự thảo, tiến sỹ Lương Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và Lãnh đạo nữ (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng cần phải rà soát các quy định của Đảng và Nhà nước về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm. Ngoài ra, cần xác định những bất hợp lý và bất lợi đối với phụ nữ khi thực hiện những quy định này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật về bình đẳng giới. Đây là các giải pháp quan trọng, cần thực nghi ngay để tạo bước chuyển biến rõ ràng và mạnh mẽ.
Theo tiến sỹ Lương Thu Hiền, xây dựng chỉ tiêu mang tính toàn diện và bao trùm lên toàn bộ hệ thống chính trị là rất quan trọng vì trong công tác cán bộ của Đảng có sự luân chuyển cán bộ linh động, dựa theo nguyên tắc mở trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Do đó, việc đảm bảo số lượng cán bộ nữ ở cả ba bộ phận của hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội) từ cả cấp trung ương tới địa phương là rất quan quan trọng để thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
Bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) đưa ra quan điểm không nên “cào bằng” các chính sách, chỉ tiêu mà nên có chính sách riêng cho khu vực đô thị, vùng miền phát triển và khu vực miền núi nông thôn. Từ đó, tuỳ theo đặc thù của từng khu vực mà có nhóm giải pháo riêng tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tham gia vào lĩnh vực chính trị.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo cơ hội cho phụ nữ, ông Phạm Quang Tú cho hay: “Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Đặc biệt, năm 2020 cũng là năm bản lề diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Vì thế, đây chính là thời điểm quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với việc đúc rút kinh nghiệm từ quá trình thực hiện chiến lược qua và xây dựng chính sách về bình đẳng giới cho giai đoạn tiếp theo của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị”./.
Đề xuất các chỉ tiêu giai đoạn 2021-2030:
Chỉ tiêu 1: Duy trì tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 đạt ít nhất 15% trở lên đối với cấp tỉnh/huyện và 20% trở lên đối với cấp cơ sở. Nhiệm kỳ 2025-2030 đạt 20% trở lên đối với cấp tỉnh/huyện và 25% trở lên đối với cấp cơ sở. Có nữ tham gia trong các Ban Thường vụ.
Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV đạt 30% và khóa XVI đạt 35%. Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội có thành viên là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đạt 30% nhiệm kỳ 2021-2026 và 35% nhiệm kỳ 2026-2031.
Chỉ tiêu 3: Đến 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các Ban Đảng ở Trung ương, các bộ cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
|
Theo TTXVN