Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Sáng 17/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, những người đang có những đóng góp quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nói riêng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước nhắc lại Tuyên Quang là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, có vị thế chiến lược quan trọng, luôn giữ một vị trí trọng yếu trong sự phát triển chung của đất nước, có những đóng góp to lớn vào lịch sử đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã có nhiều năm sống ở Việt Bắc, trong đó có Tuyên Quang.
Đồng bào, cán bộ chiến sỹ các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đồng cam cộng khổ, có nhiều đóng góp, cống hiến cho đất nước trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta; luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách, dự án phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và phấn đấu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc.
Gần đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Trên cơ sở đó, các quy định và giải pháp tiếp tục được ban hành thực hiện nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách dân tộc, mở ra cơ hội lớn cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, vươn lên.
Chủ tịch nước đánh giá là tỉnh có hơn 20 dân tộc cùng chung sống, tỷ lệ số người là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,7%, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh Tuyên Quang đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên xây dựng đời sống mới trên tất cả các lĩnh vực; phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh.
Diện mạo tỉnh Tuyên Quang có nhiều đổi thay, đời sống người dân ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, độ che phủ rừng lớn, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, gìn giữ; bà con tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Đóng góp cho thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh trật tự có sự đóng góp tích cực của 1.119 người có uy tín trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, thật sự là những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, công tác bảo tồn văn hoá truyền thống của các dân tộc, là những hạt nhân của sự đoàn kết, tham gia thực hiện tốt phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch.
Cùng với đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang, luôn lắng nghe tiếng nói của người dân để có các chính sách sâu sát cơ sở.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ chính sách đối với người có uy tín chưa tương xứng, vẫn còn một số bất cập cả về chế độ, chính sách, kinh phí, vận động phát huy vai trò của người có uy tín ở địa phương.
Do đó, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành và địa phương tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế; bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước hiện nay.
Các đại biểu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước nhấn mạnh các cấp lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang phải thật sự gần dân, hiểu dân, hết lòng phụng sự nhân dân, chú trọng tạo mọi điều kiện để bà con vươn lên làm giàu chính đáng, quan tâm đào cán bộ là người có uy tín, song hành với đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho con em được đến trường, xóa nạn mù chữ, đào tạo nghề bởi giáo dục mang lại tương lai bền vững.
Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có uy tín và gia đình họ, động viên, khuyến khích họ tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương; tạo điều kiện cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tuyên truyền... để người có uy tín nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương.
Nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác," Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào tiếp tục nêu gương sáng cho con cháu và cộng đồng; là nhân tố tích cực trong các phong trào của địa phương, vận động, hướng dẫn các đồng bào dân tộc tại các bản làng mình cùng nhau nỗ lực trong phát triển kinh tế, xã hội, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước mong từng gia đình, dòng họ vươn lên mạnh mẽ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường vượt khó, sáng tạo trong lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của các địa phương, đất nước./.
Theo TTXVN