Tiếng Việt | English

01/12/2022 - 00:00

Chuyện 'Samaki' ở biên giới

Sau thời gian bị ngăn cách bởi dịch Covid-19, từ tháng 4/2022 đến nay, hoạt động trên tuyến biên giới của tỉnh được mở lại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông và người dân 2 bên qua lại làm ăn, giao lưu, thăm thân. Mỗi khi gặp nhau, người dân 2 bên biên giới thường xuyên nhắc nhở nhau "Samaki" (dịch ra tiếng việt nghĩa là đoàn kết).

1. Vì dịch Covid-19 bùng phát, một thời gian khá dài, các hoạt động qua lại biên giới tạm ngưng nhưng không vì vậy mà tình cảm người dân 2 bên phai nhạt. Ngược lại, mối quan hệ bạn bè vẫn được vun đắp, thấm đượm nghĩa tình. Không gặp được trực tiếp, những người bạn xuyên quốc gia thường gọi điện thoại thăm hỏi nhau. Khi ra ruộng, thấy nhau qua đường biên giới, người dân đứng từ xa hỏi thăm đủ chuyện và truyền tải cho nhau thông điệp “Samaki” để cùng bảo vệ bình yên biên giới.

Trong lúc khó khăn, các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang và người dân 2 bên biên giới có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhau chống dịch. Đó là ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, trao tặng vật tư y tế,... Từ sự giúp sức của người dân, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc, không để xảy ra phức tạp, điểm nóng về an ninh, trật tự trên tuyến biên giới. “Xa mặt nhưng người dân 2 bên biên giới không bao giờ cách lòng” là câu được nhiều người dân biên giới nói đến khi nhắc về những người bạn Campuchia.

Người dân 2 bên biên giới qua lại chủ yếu để thăm thân, mua bán nhỏ, lẻ

Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tháng 4/2022, hoạt động qua lại cửa khẩu được mở trở lại. Hiện nay, việc trao đổi hàng hóa, thăm thân diễn ra bình thường.Tại cặp cửa khẩu phụ Tân Hưng - Svai À Ngoong, người dân 2 bên biên giới qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa, nông sản, góp phần cải thiện cuộc sống và thắt chặt thêm tình đoàn kết.

Gần cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Cái Cỏ, chúng tôi gặp anh Phan Sean ở bên kia xã Chàm vừa làm xong thủ tục ở trạm biên phòng để qua chợ Tân Hưng mua rau, quả, cá, thịt, nhu yếu phẩm về bán lại cho người dân Campuchia. “Tôi rất vui mừng khi hoạt động qua lại biên giới được mở cửa trở lại. Nhờ đó, tôi có điều kiện buôn bán, nuôi con học hành” - anh Phan Sean bày tỏ. Còn chị Khon, nhà ở xã Chàm, cũng sang huyện Tân Hưng, tỉnh Long An mua vật tư nông nghiệp. “Khi qua phía Việt Nam, ngoài mang theo các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục, tôi không quên đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh” - chị Khon nói.

Người dân qua lại biên giới dừng lại trạm kiểm soát để kiểm tra và làm các thủ tục

Qua trò chuyện, trong ký ức của anh Phan Sean và chị Khon vẫn chưa quên những lần phải "lụy đò" sang Tân Hưng. Vì vậy, anh, chị cảm nhận rất rõ giá trị từ khi cây cầu Hữu Nghị 2 được xây dựng bằng bêtông, cốt thép, đưa vào sử dụng từ năm 2015. Lúc trước đi đò phải hơn 15 phút nhưng giờ qua cầu, chỉ một chút là đến. Ngoài thời gian được rút ngắn, cây cầu còn giúp gắn kết thêm tình cảm giữa người dân 2 bên biên giới.

2. Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa diễn ra khá sôi nổi. Cảnh vắng vẻ của thời điểm “căng mình” chống dịch không còn. Ở các trạm, người dân và cán bộ biên phòng dành cho nhau những lời chào hỏi thân tình. “Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày, có từ 50-70 lượt người dân 2 bên biên giới xuất, nhập cảnh qua lại” - Trung tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, cho biết.

Cách khu vực cửa khẩu không xa, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Phương - cư dân sống ở xã Bình Hiệp. Ông nói nhiều về câu chuyện tình bằng hữu giữa người dân 2 bên biên giới. Chỉ tay về những cửa hàng buôn bán gần chợ Bình Hiệp, ông Phương nói, bảng hiệu cửa hàng thường có 2 ngôn ngữ Việt Nam, Campuchia. Không phải bên mình mà phía đối diện bên nước bạn Campuchia, bảng hiệu cũng giống như vậy. Tại những cửa hàng đó, có những trường hợp người dân 2 bên biên giới thân quen đến độ sẵn sàng bán hàng thiếu cho nhau. Khi có tiền lại đến thanh toán nợ rất sòng phẳng nên chẳng khi nào xảy ra cự cãi, tranh chấp.

“Ở bên Campuchia, tôi có mấy người bạn. Vừa rồi, cửa khẩu tạm đóng cửa cũng là khoảng thời gian lâu nhất chúng tôi không gặp nhau. Kể từ khi cửa khẩu mở cửa trở lại, chúng tôi gặp nhau nhiều lần. Nhà ai có đám tiệc đều sang dự, có chuyện buồn là đến thăm hỏi, động viên. Gần đây, tôi và mấy ông bạn bên đó gặp nhau trao đổi, chia sẻ kỹ thuật sản xuất lúa. Bạn thì hay hỏi, tìm hiểu, còn tôi biết gì đều chỉ hết” - ông Phương kể.

Bộ đội biên phòng và người dân dọn vệ sinh tại cột mốc biên giới

Huyện Đức Huệ có đường biên giới dài 25,39km, giáp với huyện ChanT'ria, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Mối quan hệ giữa các cấp, các ngành và người dân 2 bên biên giới thường xuyên được duy trì, bền chặt. Đến khu vực Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (xã Mỹ Quý Tây), chúng tôi nghe nhiều lời chào hỏi của những cư dân 2 bên biên giới khi qua lại gặp nhau. Trong quá trình giải quyết các thủ tục xuất, nhập cảnh, cán bộ biên phòng còn tuyên truyền cho người dân qua lại biên giới nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan với dịch bệnh, chấp hành quy định pháp luật của nước sở tại.

Trong quán nhỏ ven đường gần chợ Tho Mo, hình ảnh những người bạn Campuchia uống trà, cà phê, cười nói rôm rả cũng trở nên thân quen. Người dân thường nói về sự thay đổi của quê hương, sản xuất nông nghiệp, con em học hành, đấu tranh với buôn lậu, tội phạm, bảo vệ đường biên, cột mốc và cả chuyện đối ngoại nhân dân. Người dân còn nhắc nhở nhau không nghe theo lời xúi giục, kích động, xuyên tạc của kẻ xấu mà làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở biên giới và mối quan hệ đoàn kết giữa 2 nước./.

“Chủ quyền lãnh thổ quốc gia đã có đường biên, cột mốc phân định. Trong quá trình sinh sống, làm ruộng, người dân 2 bên không bao giờ phạm vào đất của nhau. Là cư dân sống ở miền biên viễn của Tổ quốc, chúng tôi càng phải phát huy trách nhiệm, làm nhiều việc tốt, hữu ích để góp phần giữ gìn, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị. Vì vậy, nếu phát hiện những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự biên giới, chúng tôi đều báo ngay cho chính quyền và lực lượng chức năng để kịp thời nắm bắt, giải quyết” - ông Võ Thành Sơn (ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) tâm sự.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết