Mạng xã hội (MXH) là nơi tập hợp mối quan hệ giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức trên môi trường Internet. Đây cũng là nơi kết nối, tương tác với bạn bè, gia đình, cộng đồng chia sẻ tình cảm, niềm vui, nỗi buồn,… được hơn 65 triệu người Việt Nam tham gia.
Tuy nhiên, nhiều người không chỉ sống trong đời thực mà còn “sống ảo” trên MXH như một phần tất yếu của cuộc đời mình. Họ “sống ảo”, “ngáo like” sẵn sàng sống kiếp động vật, tắm phân hoặc tự thiêu,… chỉ để “câu like”. Môi trường ảo này cũng là nơi nhiều người nhòm ngó, rình rập lẫn nhau, công khai xiên xỏ, chửi bới lẫn nhau náo loạn cả không gian mạng. Người dùng MXH thiếu hiểu biết vô tình vi phạm các hành vi như tung tin giả, giật tít, câu like, đăng tải những thông tin, hình ảnh, video nhảm nhí, thiếu chuẩn mực đạo đức, ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục của người Việt.
Đặc biệt, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chống đối chính trị cũng đang lợi dụng MXH để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta; đăng tải những thông tin sai sự thật, lừa bịp, xuyên tạc chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước; kích động người dân có hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Trang mạng các thế lực thù địch xuyên tạc Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của nước ta
Trước thực tế đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH nhằm chung tay với Nhà nước xây dựng một môi trường MXH lành mạnh, an toàn, bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH. Ngay sau khi ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, đi ngược lại sự ủng hộ của phần đông đó, ở các diễn đàn, “truyền thông đen”, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động lại ra sức xuyên tạc với nhiều bài viết cho rằng: “Việt Nam ban hành đạo luật vi phạm nhân quyền”; “ép buộc người dân phải tuân thủ những quy tắc vi phạm quyền tự do ngôn luận chính đáng của nhân dân trên MXH theo chủ ý của Bộ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”; “Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH tại Việt Nam: Bảo đảm hay hạn chế tự do ngôn luận?”;... Tổ chức Ân xá Quốc tế còn lớn tiếng công bố báo cáo “Để chúng tôi thở”, trong đó tố cáo chính quyền Việt Nam đàn áp tự do biểu đạt trên MXH qua nhiều hình thức khác nhau.
Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, xuyên tạc bởi một tâm lý chung của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động là Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH được ban hành, có cơ chế xử phạt nghiêm khắc với các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, đồng nghĩa những hành vi, phát ngôn xuyên tạc, bịa đặt của chúng sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Từ đó, chúng kích động người dân phản đối, yêu cầu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông hủy bỏ quy định trên, trao trả quyền tự do ngôn luận, báo chí cho nhân dân.
Có thể nói, MXH ở Việt Nam trở thành một kênh thông tin được người dân rất quan tâm, ưa chuộng, dành nhiều thời gian để sử dụng. Nhờ MXH mà người dân nắm bắt thông tin nhanh chóng, mọi người dễ kết nối, giao lưu với nhau, là kênh để học hỏi tri thức, khai thác thông tin, bày tỏ tình cảm và thư giãn. Tuy nhiên, môi trường số cũng có những hạn chế, những tác hại không nhỏ, đặc biệt là với trẻ em, thanh, thiếu niên, những người kém hiểu biết, dễ bị địch dẫn dụ tin vào những thông tin thiếu kiểm chứng, xấu độc, lôi kéo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Điều dễ dàng nhận thấy, việc chấp hành nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử này sẽ điều chỉnh những hành vi trên MXH tuân thủ pháp luật, giữ gìn sự trong sáng, lành mạnh của thông tin, người dùng MXH biết cách tôn trọng, giữ gìn bí mật thông tin của quốc gia, dân tộc, tuân thủ, chấp hành quy tắc đạo đức, giữ gìn chuẩn mực đạo đức xã hội, chịu trách nhiệm về mọi hành vi của bản thân,… theo khuôn khổ pháp luật.
Quán triệt và thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, mỗi người dân, người dùng Internet, MXH, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cần quán triệt sâu, kỹ, nắm chắc các quy định, quy tắc ứng xử. Qua đó, điều chỉnh mọi phát ngôn, hành động của bản thân theo đúng pháp luật đã quy định, thể hiện nét đẹp văn hóa trong sáng, lành mạnh, thượng tôn pháp luật, biết tôn vinh, ngợi ca, biểu dương cái đẹp, điều tốt; đồng thời, phê phán, đấu tranh với mọi quan điểm, hành động sai trái, luận điệu xuyên tạc, phản động;… ./.
Trung Dũng