Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Đề phòng loét dạ dày do vi khuẩn H. pylori

Nhiễm Helicobacter pylori xảy ra khi loại vi khuẩn gọi là Helicobacter pylori (H. pylori) lây nhiễm vào dạ dày hay một phần đầu của ruột non. Khoảng một nửa số người trên thế giới nhiễm H. pylori. Ở những nước đang phát triển, tỷ lệ này là 70%. Đối với nhiều người, nhiễm H. pylori không có dấu hiệu hoặc triệu chứng và không dẫn đến bất kỳ biến chứng. Nhưng đối với những người khác, H. pylori có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm loét và ung thư dạ dày.

Các triệu chứng

Hầu hết các trường hợp nhiễm H. pylori không có dấu hiệu hay triệu chứng. Các triệu chứng có thể xảy ra khi nhiễm H. pylori gồm: Đau bụng hoặc nóng rát trong bụng; buồn nôn, ói mửa; thường xuyên ợ hơi; đầy hơi; sụt cân; khó nuốt; phân có máu hay phân đen màu hắc ín; chất nôn có máu hoặc chất nôn có màu đen hoặc chất nôn giống như bã cà phê.

Nguyên nhân

Vi khuẩn H. pylori chủ yếu lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc chất phân. H. pylori cũng có thể lây lan qua nước không được xử lý. Vi khuẩn H. pylori xâm nhập cơ thể qua miệng và chuyển vào hệ thống tiêu hóa. Dạ dày và acid dạ dày tự nó tạo ra một môi trường không thuận lợi đối với nhiều vi khuẩn. Nhưng vi khuẩn H. pylori đặc biệt thích nghi để tồn tại trong dạ dày. Nó tạo ra một enzyme, thông qua một loạt các quá trình sinh hóa, tạo ra một vùng đệm có độ acid thấp cho chính nó.

Các biến chứng

Nhiều người bị nhiễm H. pylori sẽ không bao giờ có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng và không bao giờ phát triển các biến chứng. Một số người khác sẽ phát triển các biến chứng nghiêm trọng: Loét dạ dày và ruột non; viêm niêm mạc dạ dày; ung thư dạ dày.

Các xét nghiệm

Xét nghiệm tìm vi khuẩn H. pylori thông qua xét nghiệm máu, hơi thở, phân, mẫu mô dạ dày qua nội soi.

Khi nào cần điều trị

Các chỉ định điều trị diệt trừ vi trùng H. pylori sau đã được đề xuất: Loét dạ dày, loét tá tràng; tiền sử bị loét dạ dày, tá tràng; Lymphoma niêm mạc dạ dày; sau khi cắt ung thư dạ dày sớm; có quan hệ huyết thống bậc 1 với người bị ung thư dạ dày (cha mẹ, anh chị em ruột); viêm toàn bộ dạ dày hoặc viêm vùng thân vị do vi trùng H. pylori; rối loạn tiêu hóa không loét; cần dùng Aspirin lâu dài; viêm teo niêm mạc dạ dày; chuyển sản ruột niêm mạc dạ dày; viêm thực quản trào ngược đòi hỏi cần dùng PPI lâu dài; thiếu máu, thiếu sắt không rõ nguyên nhân; ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.

Theo sggp.org.vn /Bác sĩ HUỲNH THỊ DIỄM KIỀU

Chia sẻ bài viết