Tiếng Việt | English

11/11/2020 - 08:49

Góp ý văn kiện Đại hội XIII: Giáo dục, môi trường được đặc biệt quan tâm

UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An vừa tổ chức lấy ý kiến các vị ủy viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các hội đồng tư vấn của UBMTTQ Việt Nam tỉnh; chức sắc các tôn giáo, dân tộc, thân nhân kiều bào, các hội quần chúng về dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Báo Long An lược trích một số nội dung giới thiệu cùng bạn đọc.

Ủy viên UBMTTQ (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) - Trần Thị Nhanh:

Tôi cơ bản thống nhất với nội dung các văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng nhưng còn một số từ, cụm từ chưa rõ nghĩa, mang nặng tính học thuật như “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, “chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy”, “người di cư hòa nhập”,... cần có chú thích hoặc thay đổi để phù hợp, dễ hiểu hơn. Về việc cải cách giáo dục, tôi ủng hộ các ý kiến không nên cải cách liên tục như hiện nay, gây lãng phí rất nhiều mà hiệu quả không cao. Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc đánh giá 82 biểu hiện theo tôi còn hình thức, tốn kém, chưa thực chất, cần xem xét lại. Nhìn chung, văn kiện đã đánh giá rất đầy đủ kết quả, thực trạng cũng như những hạn chế, khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, tôi mong rằng, văn kiện sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi hơn để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, đưa nước ta phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn nữa.

Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh (nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh) - Lê Bá Phước:

Những năm qua, số lượng đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật, thậm chí khai trừ Đảng ngày càng nhiều, tôi đề nghị Đảng cần quan tâm hơn đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân. Đối với nội dung văn kiện, tôi cho rằng, cần có sự so sánh, đối chiếu kết quả hiện nay với trước đây để thấy được sự phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tôi đề nghị Đảng ta phải thực hiện quyết liệt hơn nữa, đồng thời xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm để đủ sức răn đe. Đối với việc cải cách giáo dục, tôi đề nghị cần nghiên cứu kỹ để làm sao cho phù hợp, dễ thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh - Hòa thượng Thích Minh Thiện:

Về định hướng phát triển lợi thế của các vùng, miền, tôi đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho khu vực miền Nam, nhất là hạ tầng giao thông để tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng. Đối với lĩnh vực sản xuất, tôi đề nghị đầu tư thêm các cơ sở chế biến nông sản nhằm giải quyết tình trạng “được mùa, mất giá” gây nhiều thiệt hại cho nông dân. Liên quan đến vấn đề giáo dục, tôi đồng tình quan điểm không nên cải cách liên tục, cần có kế hoạch, lộ trình để tránh lãng phí. Đối với vấn đề thương mại hóa tôn giáo, theo tôi, cần đánh giá toàn diện hơn, bộ phận thương mại hóa tôn giáo chỉ là một số thành phần đội lốt tôn giáo. Trong chương trình phát triển sắp tới, tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước ta cần đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên - môi trường, có giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nước chấm Mekong - Phan Bảo Tâm:

Các văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng được biên soạn công phu với bố cục, ngôn ngữ, diễn đạt rõ ràng. Tuy nhiên, trong phần thứ nhất kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, có cụm từ “chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy”, tôi đề nghị bổ sung chú thích hoặc giải nghĩa để người dân dễ hiểu hơn. Những năm qua, mặc dù nước ta có thực hiện cải cách hành chính nhưng một số thủ tục, quy trình còn rườm rà, chưa đồng bộ, còn sự chồng chéo ở một số ngành, lĩnh vực, cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp hơn. Bên cạnh đó, kết quả thống kê thu nhập bình quân đầu người tôi cho là chưa phản ánh đúng thực tế hiện nay; công tác cổ phần hóa còn chậm, thiếu giám sát, cần có sự quan tâm hơn nữa.

Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Võ Quan Huy:

Qua nghiên cứu các văn kiện, điều tôi quan tâm nhất là những tồn tại, hạn chế nhiều nhưng phương hướng, nhiệm vụ đề ra còn chung chung. Ví dụ như liên kết trong sản xuất, xây dựng hợp tác xã hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Tôi đề nghị, Đảng và Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, khả thi hơn để phát triển nông nghiệp. Trên lĩnh vực giáo dục, tôi cho rằng, các trường cần thay đổi chương trình đào tạo, “học phải đi đôi với hành”, vì nhiều sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trường nghề chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, phải đào tạo lại, mất nhiều thời gian và chi phí. Hiện nay, lũ lụt đang gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Trung, tôi cho rằng, đây là một trong những hậu quả của việc khai thác rừng bừa bãi. Tôi đề nghị, cần có giải pháp phát triển kinh tế cho đồng bào miền núi, tránh tình trạng phá rừng để sản xuất dẫn đến thiên tai.

Ông Trần Văn Bên (Hội đồng Tư vấn dân tộc tôn giáo):

Tôi cơ bản thống nhất nội dung trong các văn kiện trình tại Đại hội XIII. Tuy nhiên, hướng tới, tôi đề nghị, Đảng, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ, cần có các giải pháp cụ thể, rõ ràng hơn về lĩnh vực này. Đối với lĩnh vực giáo dục, tôi cho rằng, không chỉ giáo dục tri thức mà phải chú trọng đến việc giáo dục đạo đức và phát triển thể chất. Chế độ, chính sách giáo dục cũng cần phải thay đổi, đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với giải quyết việc làm, tránh tình trạng nhiều sinh viên ra trường bị thất nghiệp như hiện nay. Liên quan đến vấn đề môi trường, tôi đề nghị đánh giá rõ thêm về Chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, qua đó có giải pháp căn cơ, lâu dài cho từng vùng, miền.

Bà Võ Thị Thu Thủy (Hội đồng Tư vấn pháp luật):

Những năm gần đây, nước ta cải cách giáo dục liên tục nhưng chưa thật sự hiệu quả. Tôi đề nghị cải cách chậm lại, thực hiện theo từng phần, không nên mỗi năm mỗi cải cách, học sinh sẽ khó tiếp cận, gây lãng phí cho xã hội. Đối với giáo dục đại học, nhiều sinh viên sau khi ra trường chưa tiếp cận được công việc do thiếu trải nghiệm thực tế, phải đào tạo lại, đề nghị quan tâm hơn đến vấn đề này. Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tôi cho rằng, Đảng, Nhà nước cần định hướng, có kế hoạch phát triển cụ thể, tránh tình trạng “giải cứu” nông sản như thời gian qua; đồng thời, quan tâm đầu tư thêm lĩnh vực bảo quản, chế biến để bảo đảm đầu ra nông sản, tránh thiệt hại cho nông dân./.

Kỳ Nam (ghi)

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích