Tiếng Việt | English

12/01/2017 - 11:13

Hai chàng trai “dò đường" cho người khiếm thị

Tính đến nay đã hơn 1 năm (từ năm học 2015-2016 đến năm học 2016-2017), đôi bạn Đặng Lê Công Minh và Nguyễn Thanh Hoàng Phúc, lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Long An bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm “Giày thông minh hỗ trợ người khiếm thị”. Suốt hơn 1 năm, 2 chàng trai vừa học, vừa mò mẫm "dò đường” để dẫn đường cho người khiếm thị.


Minh và Phúc thường tận dụng giờ ra chơi, giải lao để bàn bạc, thử nghiệm sản phẩm “Giày thông minh hỗ trợ người khiếm thị” của mình

Bắt đầu từ thôi thúc muốn tự mình nghiên cứu “cái gì đó” thiết thực, hữu ích, đôi bạn Minh và Phúc chú ý quan sát cuộc sống xung quanh. Rồi một ngày, khi nhìn thấy người bán vé số mù trên đường, Minh nảy ra ý tưởng sao mình không làm “cái gì đó” giúp người mù có thể đi lại một mình an toàn trên phố mà không cần phụ thuộc vào người khác. Minh chia sẻ với cậu bạn thân Hoàng Phúc về suy nghĩ của mình. Vậy là cả hai bắt đầu biến ý tưởng “Giày thông minh hỗ trợ người khiếm thị” thành hiện thực.

Đôi bạn bắt tay vào thực hiện. Sản phẩm nhằm hỗ trợ người khiếm thị đi lại an toàn. Với nguyên lý đo lường bằng sóng siêu âm, thông qua bộ cảm biến, phát hiện ra vật cản, những nơi địa hình thấp như bậc thang, hố sâu,... giày sẽ phát ra âm thanh, kết hợp hệ thống rung để cảnh báo người sử dụng.

Để có kinh phí thực hiện ý tưởng, Minh và Phúc cùng nhau tiết kiệm tiền tiêu vặt. Mỗi tuần 1 lần, hai bạn dành cả ngày “lang thang” ở chợ Nhật Tảo, TP.HCM để tìm linh kiện, phụ kiện cần thiết cho sản phẩm của mình. Hai chàng thanh niên 17 tuổi chưa có chút kinh nghiệm nào về linh kiện và thiết bị điện tử phải lên xuống vài chục lần để tìm ra bộ cảm biến phù hợp với đôi giày đang thực hiện.

Minh chia sẻ: “Vì không có kinh nghiệm nên tụi em thường rơi vào trường hợp mua bộ cảm biến về không phù hợp hoặc hư hỏng không sử dụng được. Thất bại hàng chục lần là chuyện bình thường!”.

Phúc kể, có lần trong quá trình thực hiện, cả hai rơi vào thế “bí”, “cầu cứu” bạn bè, thầy cô không được, hai bạn “tìm hỏi” Google! Kết quả cũng không ra! Lúc đó, cứ tưởng rằng không thể nào tiếp tục thì Minh và Phúc lại chuyển hướng sang đọc tài liệu nước ngoài. Mỗi ngày, các bạn cặm cụi bên máy tính gõ gõ, tra tra, rồi lại kè kè quyển từ điển bên mình, vừa dịch, vừa học. Thế rồi cũng ra! Đôi bạn tiếp tục cuộc hành trình “dẫn đường" cho người khiếm thị. Nhưng những “gập ghềnh” cũng chưa buông tha đôi bạn cho đến ngày đưa sản phẩm đi dự thi. Phúc kể, ngay trong đêm trước khi cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật bắt đầu thì bộ cảm biến lại “trở chứng”, nằm ì không thèm hoạt động. Hai cậu học trò phải thức tới 2 giờ sáng để sửa.

Suốt hơn 1 năm, cứ hễ nghỉ trưa hay lúc chờ giờ học chiều, đôi bạn Minh - Phúc cùng ngồi lại với nhau bàn bạc, ráp nối các chi tiết, mạch điện. Về nhà, sau giờ học, các bạn lại gặp nhau trên mạng để bàn bạc và lập trình cho sản phẩm của mình. 7 tháng, thành quả miệt mài của đôi bạn trẻ thành hình, nhưng đó còn là một đôi giày có nhiều mạch điện, rườm rà, mẫu mã chưa bắt mắt. Khi mang sản phẩm sang Hội Người mù tỉnh nhờ kiểm tra tính khả dụng, các bạn nhận được không ít nghi ngờ.

Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ, đóng góp từ phía hội, Minh - Phúc tiếp tục hoàn chỉnh sản phẩm của mình, khắc phục các khuyết điểm: Âm thanh nhỏ, dây điện rườm rà, mẫu mã chưa bắt mắt. Năm nay, Minh và Phúc mang sản phẩm đi dự thi giải Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Và đôi giày của Minh - Phúc đoạt giải ba toàn quốc. Đó là phần thưởng và sự khích lệ to lớn cho hai bạn.

Được biết, hiện nay trên thế giới có nhiều sản phẩm hỗ trợ tương tự, tuy nhiên giá thường rất cao. Đối với sản phẩm này của Minh và Phúc, giá thành chỉ với 430.000 đồng/đôi, vẫn bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người khiếm thị khi sử dụng.

Năm học này, sau khi hoàn thiện hơn sản phẩm của mình, Minh và Phúc quyết định tạm ngừng việc nghiên cứu, tập trung ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới để tiếp tục viết tiếp đam mê tin học của mình. Có sẵn trong tay tuổi trẻ, sự ưu tú và đam mê học hỏi, sáng tạo, chúng tôi nghĩ, Minh và Phúc sẽ không chỉ dừng lại ở đôi giày dành cho người khiếm thị./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích