Tiếng Việt | English

11/08/2022 - 10:00

Khu vực ĐBSCL được quốc tế quan tâm vì nhiều lý do

Ông Lê Hải Bình cho rằng, ĐBSCL được quốc tế rất quan tâm bởi đây không phải là vựa lúa của Việt Nam mà còn là vựa lúa của thế giới.

Sáng 11/8, tại thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tổ chức hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền dành cho cán bộ của 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 11-12/8 nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người ở địa phương, góp phần quan trọng cho đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này.


Các đại biểu dự hội nghị tập huấn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Thông tin đối ngoại Trung ương, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã dành nhiều thời gian để phân tích tình hình thế giới, khu vực tác động đến công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam cũng như những chỉ đạo mới của Đảng và Nhà nước về quyền con người.


Ông Lê Hải Bình- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Đối với 13 địa phương ở ĐBSCL, ông Lê Hải Bình nhắc lại vị trí chiến lược của khu vực này như chỉ đạo của Bộ Chính trị, đó là "vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía tây nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.  

“ĐBSCL được quốc tế rất quan tâm bởi đây không phải là vựa lúa của Việt Nam mà còn là vựa lúa của thế giới, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Không phải tự nhiên mà các tổ chức quốc tế dành nhiều nguồn lực để hạn chế biến đổi khí hậu ở khu vực này” – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Mặc khác, cũng theo ông Lê Hải Bình, ĐCSCL có rất nhiều đặc thù về dân tộc, tôn giáo, được quốc té quan tâm trên nhiều sắc thái khác nhau. Do đó, các địa phương cần hết sức quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền về công tác đảm bảo quyền con người, quyền tự do tôn giáo, công tác xóa đói giảm nghèo ở khu vực này.

Trong 2 ngày hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đề nghị các đại biểu ở 13 tỉnh ĐBSCL chia kinh nghiệm và những cách làm hay, sáng tạo trong công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người của địa phương mình; Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai công tác thông tin đối ngoại về quyền con người; Công tác phối hợp giữa cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh; Các kiến nghị, đề xuất nói chung về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác nhân quyền, công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại về vấn đề quyền con người./.

Giáng Hương/VOV.VN

Chia sẻ bài viết