Luật Đất đai hiện hành
Theo kế hoạch trên, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Do đó, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải đảm bảo các yêu cầu như: Phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm; hình thức cụ thể phù hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý; bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và xác định nội dung lấy ý kiến nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm;…
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Về đối tượng lấy ý kiến: Theo kế hoạch thì đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm có: nhân dân tại địa phương; HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận Tổ quốc, các Sở, ban, ngành tỉnh và các cơ quan trực thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.
Về nội dung lấy ý kiến: Toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) Phát triển quỹ đất; (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) Hộ gia đình sử dụng đất.
Kế hoạch cũng chia nội dung theo từng nhóm đối tượng như:
- Đối với nhân dân tại địa phương, tập trung vào các nội dung sau: (1) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (2) Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; (3) Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (4) Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; (5) Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; (6) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; (7) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
- Đối với Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác, tập trung vào các nội dung: (1) Các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; (2) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; (3) Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; (4) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất; (5) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; (6) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; (7) Các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; (8) Chế độ sử dụng đất trong các khu công nghiệp.
- Đối với các cơ quan nhà nước tại địa phương; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nội dung lấy ý kiến tập trung vào các vấn đề: (1) Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (2) Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; (3) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (4) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; (5) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng; (6) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; (7) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; (8) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; (9) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; (10) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Về hình thức lấy ý kiến: Theo kế hoạch, việc tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện thông qua các hình thức như: (1) Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, trường hợp góp ý bằng văn bản qua đường bưu điện thì ngoài bìa thư ghi rõ: “Nội dung tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” và địa chỉ tiếp nhận góp ý là Sở Tài nguyên và Môi trường Long An - Số 137, Quốc lộ 1, phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An. (2) Tổ chức hội nghị, hội thảo áp dụng đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. (3) Góp ý trực tiếp thông qua website chính thức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại website: stnmt.longan.gov.vn. (4) Thông qua Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Về thời gian lấy ý kiến: Thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/02/2023 đến hết ngày 15/3/2023./.
Kiến Quốc